Yagi có thể là cơn bão lớn nhất thế giới năm 2024: Cả châu Á “nín thở” trước siêu bão, trường học đóng cửa, chuyến bay bị hoãn, hàng loạt quốc gia đưa ra cảnh báo
Bão Yagi có khả năng trở thành cơn bão mạnh nhất trong lịch sử ở Biển Đông và mạnh nhất thế giới năm 2024, theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản.
Theo CNA, SCMP, ngày 5/9, các tỉnh và thành phố phía nam Trung Quốc đã chuẩn bị ứng phó với siêu bão Yagi, đóng cửa trường học và hoãn các chuyến bay trước khi siêu bão này dự kiến đổ bộ vào bờ biển nhiệt đới Hải Nam. Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc (NMC) đã ban hành cảnh báo đỏ đối với bão Yagi.
Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA), quá trình thay thế mắt bão vẫn đang hoàn thiện và trong sáng 5/9, một siêu bão mới sẽ xuất hiện ngay trên Biển Đông, cường độ cấp 16, giật trên cấp 17.
Bão Yagi thậm chí có khả năng trở thành cơn bão mạnh nhất trong lịch sử ở Biển Đông và bão mạnh nhất thế giới năm 2024, theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA). Kỷ lục cơn bão mạnh nhất trong năm hiện đang do bão Djoungou ở Nam Ấn Độ Dương nắm giữ.
Bão Yagi đã mạnh lên thành siêu bão vào đêm thứ Tư khi tiến về phía Trung Quốc và dự kiến đây sẽ là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào nước này trong gần một thập kỷ qua.
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc cho biết Yagi đã mạnh lên thành siêu bão vào đêm thứ Tư và hiện đang cách thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông khoảng 610 km về phía đông nam.
Dự kiến Yagi sẽ di chuyển về phía tây với tốc độ 10-15 km/h, mang theo mưa lớn đến các vùng ven biển phía nam của Quảng Đông và đảo Hải Nam từ chiều đến đêm ngày 6 tháng 9.
Một người phụ nữ quét bùn trên đường phố sau cơn bão nhiệt đới Yagi ở Pilila, tỉnh Rizal, Philippines
Các tỉnh và thành phố phía Nam Trung Quốc chuẩn bị đón siêu bão Yagi.
Chính quyền địa phương cho biết tất cả các chuyến bay đến và đi từ sân bay Hải Khẩu của Hải Nam sẽ bị đình chỉ từ 8 giờ tối thứ Năm cho đến nửa đêm thứ Sáu. Các bãi biển và điểm du lịch ven biển đều đã bị đóng cửa để tránh bão.
Siêu bão Yagi dự kiến đổ bộ vào Hải Nam là chuyện rất hiếm khi xảy ra vì hầu hết các cơn bão đổ bộ vào hòn đảo này đều được phân loại là yếu. Từ năm 1949 đến năm 2023, 106 cơn bão đổ bộ vào Hải Nam nhưng chỉ có 9 cơn bão được phân loại là siêu bão.
Tàu hỏa và tàu thuyền cũng đã ngừng hoạt động ở Hải Nam vào sáng thứ Năm, trong khi nhiều trường học trên khắp miền Nam Trung Quốc, bao gồm cả trung tâm tài chính Hồng Kông và trung tâm cờ bạc Ma Cao đã đóng cửa.
Hồng Kông (Trung Quốc) cũng sẽ ban hành cảnh báo bão cấp 3 vào ngày 5/9, tức nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa ngừng hoạt động và giao thông cũng bị hạn chế.
SCMP đưa tin tín hiệu sẽ được phát đi lúc 6 giờ 20 phút chiều giờ địa phương.
“Yagi là một cơn bão lớn. Dưới ảnh hưởng của hoàn lưu bên ngoài, gió địa phương nói chung mạnh lên vào sáng nay với gió giật thỉnh thoảng trên vùng đất cao”, Đài quan sát Hồng Kông, cơ quan thời tiết của thành phố, cho biết.
Các trường mẫu giáo và trường đặc biệt đã đóng cửa vì cảnh báo số 3 vẫn có hiệu lực vào đầu ngày. Khi cơn bão đến gần, gió sẽ mạnh hơn nữa và tình hình trong thành phố sẽ xấu đi, đặc biệt là gần cửa sông.
Những ảnh hưởng của bão Yagi đã gây ra ở Philippines
Trước đó, ít nhất 14 người đã thiệt mạng ở Philippines vào đầu tuần này do bão Yagi.
Trong khi đó, ở Thái Lan, siêu bão dự kiến sẽ mang theo mưa lớn, gió giật ở phía Bắc và Đông Bắc. Các thuyền nhỏ được khuyến cáo nên ở lại bờ dọc theo biển Andaman và vịnh Thái Lan cho đến Chủ Nhật.
Vị trí và đường đi của bão số 3. Ảnh: KTTV
Theo báo Tin tức, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 13 giờ ngày 5/9, vị trí tâm siêu bão ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 115,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 460 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184 – 201 km/giờ), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10 km/giờ.
Dự báo, đến 13 giờ ngày 6/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 10 – 15km/giờ, vị trí bão tại 19,9N-111,8E; trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Quảng Ninh khoảng 510 km về phía Đông Đông Nam, cường độ bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17, vùng nguy hiểm Phía Bắc vĩ tuyến 16,0N; kinh tuyến 109,0E – 118,5E, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4, khu vực chịu ảnh hưởng phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông.
Đến 13 giờ ngày 7/9, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 20km/giờ và suy yếu dần, vị trí bão tại 20,9N-107,4E; trên vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Nam Định, cường độ bão mạnh cấp 12, giật cấp 15, vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 16,0N; phía Tây kinh tuyến 114,5E, cấp độ rủi ro thiên tai Cấp 4 phía Đông của khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, Cấp 3 phía Tây của khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ và phía Nam vịnh Bắc Bộ.
Đến 13 giờ ngày 8/9, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, khoảng 20 km/giờ và suy yếu dần thành vùng áp thấp, vị trí bão tại 21,9N-103,0E; trên khu vực phía Tây Bắc Bộ, cường độ bão dưới cấp 6, vùng nguy hiểm phía Bắc vĩ tuyến 17,0N; Phía Tây kinh tuyến 112,0E, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực chịu ảnh hưởng là vịnh Bắc Bộ.
Trên đất liền, từ gần sáng ngày 7/9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh dần lên cấp 6 – 7, sau tăng lên cấp 8 – 9, vùng gần tâm bão cấp 10 – 12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 8, giật cấp 9 – 11.
Khu vực ven biển từ Thanh Hoá đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5 (Thanh Hoá) – 1,8 m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm ngày 7/9 và hiện tượng nước rút do bão từ 0,5 (Thanh Hoá) – 1,0 m (Quảng Ninh) vào sáng ngày 7/9.
Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thuỷ sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão.
Các chuyên gia cảnh báo, từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350 mm, có nơi trên 500 mm. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, lốc và gió giật mạnh cả trước và trong khi bão đổ bộ.
Do tác động của bão nên khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-14, vùng gần tâm siêu bão đi qua cấp 15-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Từ khoảng trưa ngày 6/9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6 – 7. Từ đêm 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8 – 9, sau tăng lên cấp 10 – 12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13 – 14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 7 – 9m, vùng gần tâm siêu bão 10 – 12m. Biển động dữ dội. Từ trưa ngày 6/9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2 – 4m, sau tăng lên 3 – 5 m, vùng gần tâm bão đi qua 6 – 8 m.
Từ gần sáng ngày 7/9, vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá sóng cao 2 – 3 m, sau tăng lên 2 – 4 m, vùng gần tâm bão 3 – 5 m.