Tại cuộc họp ứng phó với cơn bão số 3, bên cạnh thông tin về tình hình chuẩn bị phòng chống bão, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ NNPTNT) khuyến cáo, theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, dự kiến trưa đến tối thứ Bảy, vùng tâm bão sẽ đổ bộ đất liền. Nhưng ngay từ đêm thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy sẽ có mưa lớn, gió mạnh.
Ông khuyến cáo từ sáng thứ 7 người dân nên ở nhà vì dự báo bán kính hoàn lưu của bão Yagi rất rộng. Ngoài ảnh hưởng của bão còn có thể có giông lốc xảy ra trong khi hiện nay người dân sử dụng mái tôn, biển quảng cáo rất nhiều, cây xanh cũng có nguy cơ đổ gãy cao.
Các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6.9.
Về hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai thông tin, có 3 hồ cao hơn mức trước lũ, riêng hồ Hòa Bình cao nhất, khoảng hơn 1m. Hiện cả 3 hồ đang cho xả đáy để ứng phó bão.
Hải Phòng là địa phương có nhiều điểm đê xung yếu nhất trong đợt bão này – 10 điểm. Ngoài ra là các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh… Cục trưởng Phạm Đức Luận cho biết đã chỉ đạo sát địa phương để phòng, chống chủ động. Trước sức gió giật có thể đến cấp 14, hệ thống đê điều có thể gặp vấn đề.
Do đó, địa phương cần sớm có phương án tu bổ điểm xung yếu, đồng thời tăng cường nạo vét kênh, mương, hệ thống tiêu thoát nước.
Dựa trên chỉ đạo từ 2 công điện của Thủ tướng, các địa phương đã xây dựng kế hoạch của mình. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng đã liên hệ các quốc gia lân cận, đề nghị cho ngư dân Việt Nam có thể tránh trú bão kịp thời.
Theo ông Phạm Đức Luận, một số cơn bão trước đây có hoàn lưu rộng, ảnh hưởng nhiều ngày sau khi tan bão, đặc biệt là các tỉnh miền núi. Đặc biệt, nguy cơ tàn phá của bão số 3 rất cao.
Ngoài ra có tình trạng lơ là, chủ quan với ứng phó bão ở một số bộ phận người dân, địa phương. Vì vậy, ông kêu gọi bà con kiên quyết không ở lại lồng bè khi có bão đổ bộ vào bờ.