Luật sư Phùng Thị Huyền đã có những chia sẻ về quy trình, thủ tục để tài xế có ô tô bị sét đánh, cây đổ… được đơn vị bảo hiểm chi trả đền bù thiệt hại.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 67/2023/NĐ-CP, chủ phương tiện xe cơ giới có nghĩa vụ tham gia bảo hiểm bắt buộc.
Các loại hình bảo hiểm về thiệt hại đối với xe ô tô, bảo hiểm về thiệt hại đối với người lái xe hoặc phụ xe là bảo hiểm tự nguyện và do người mua tự quyết định.
Bên cạnh những băn khoăn về việc quy trình để được hưởng bảo hiểm khi xảy ra va chạm giao thông, một số tài xế lái ô tô vẫn có những băn khoăn về thủ tục để được bảo hiểm khi ô tô bị tác động khách quan từ thiên nhiên như cây đổ, sét đánh… trúng ô tô.
Về nội dung nêu trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Phùng Thị Huyền (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay, quy trình thủ tục để được hưởng bảo hiểm đối với tai nạn giao thông, được căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 67/2023/NĐ-CP.
Theo đó, tài xế cần thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm vào đường dây nóng để phối hợp giải quyết, tích cực cứu chữa, hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản, bảo vệ hiện trường tai nạn.
Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Chủ động thu thập và cung cấp các tài liệu quy định trong hồ sơ bồi thường bảo hiểm thuộc trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình xác minh các tài liệu do mình cung cấp.
“Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, bên mua bảo hiểm gửi thông báo tai nạn bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử cho doanh nghiệp bảo hiểm”, luật sư Phùng Thị Huyền chia sẻ.
Luật sư Huyền cho hay, đối với cơ chế bồi thường của bảo hiểm bắt buộc, người được bảo hiểm về tai nạn sẽ được doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm hiểm tạm ứng trước một khoản tiền để bồi thường các thiệt hại về sức khỏe, tính mạng trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
Sau đó, người được bảo hiểm có thể nhận được khoản tiền còn lại sau khi nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường.
Tiếp đó, về cơ chế bồi thường của hợp đồng bảo hiểm tự nguyện, căn cứ theo khoản 1 Điều 31 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, người được bảo hiểm chi trả bồi thường sẽ theo thời hạn do các bên thỏa thuận, hoặc theo quy định, chủ phương tiện sẽ được giải quyết trong vòng 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, bồi thường hợp lệ.
Theo luật sư Trần Hải Nam (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội), bên cạnh bảo hiểm trách nhiệm dân sự ô tô là bắt buộc, thông thường có 2 loại bảo hiểm tự nguyện mà các tài xế quan tâm là bảo hiểm vật chất xe ô tô và bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe.
Để được hưởng bồi thường, tài xế cần thực hiện đúng thủ tục theo Hợp đồng bảo hiểm với công ty bảo hiểm.
“Nhiều tài xế chưa có kinh nghiệm thường bỏ qua những bước quan trọng để được hưởng bảo hiểm như: giữ nguyên hiện trường, quay phim chụp hình lại sự việc sau khi tai nạn, liên hệ ngay công ty bảo hiểm khi xảy ra sự việc…
Nhiều trường hợp không tuân thủ quy trình để hưởng bảo hiểm, dẫn đến bị công ty bảo hiểm từ chối”, luật sư Nam chia sẻ.
Quy trình để được hưởng bảo hiểm khi ô tô bị sét đánh, cây đổ
Tư vấn về quy trình để được nhận đền bù bảo hiểm với những tai nạn khách quan do thời tiết như sét đánh, cây đổ… luật sư Phùng Thị Huyền cho biết, đối với hợp đồng bảo hiểm bắt buộc, các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm được quy tại khoản 2 Điều 7 Nghị định 67/2023/NĐ-CP. Liên quan đến các tai nạn khách quan, trường hợp chiến tranh và động đất sẽ thuộc các trường hợp bị loại trừ trách nhiệm bảo hiểm.
Với những tai nạn khách quan còn lại sẽ không làm ảnh hưởng đến trách nhiệm bảo hiểm, trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp bảo hiểm.
Về quy trình để được nhận bảo hiểm do tai nạn khách quan như ô tô bị cây đổ, sét đánh…, luật sư Huyền cho hay, chủ phương tiện tham gia bảo hiểm cần thông báo vụ việc tai nạn cho cho công ty bảo hiểm ô tô sau khi xảy ra tai nạn.
“Sau đó, tài xế cần gửi thông báo bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử trong 5 ngày làm việc kể từ khi xảy ra tai nạn, trừ trường hợp trở ngại khách quan hoặc bất khả kháng”, luật sư Huyền chia sẻ.
Theo Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, bước tiếp theo là chủ phương tiện cần phối hợp với công ty bảo hiểm giám định mức độ tổn thất.
Cụ thể, trong 1 giờ sau khi nhận được thông báo về vụ tai nạn, công ty bảo hiểm sẽ hướng dẫn bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm các biện pháp bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục.
Bên cạnh đó, chủ xe phối hợp với công ty bảo hiểm cùng các bên liên quan thực hiện giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm ngay trong 24 giờ xảy ra tai nạn.
Bước tiếp theo là chủ phương tiện nhận tạm ứng bồi thường bảo hiểm ô tô đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Tiếp đó là nộp hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm ô tô và nhận tiền bảo hiểm.
Chia sẻ về quyền lợi khi tham gia bảo hiểm, luật sư Phùng Thị Huyền cho rằng, việc tham gia bảo hiểm giúp giảm gánh nặng tài chính cho các tài xế khi có tai nạn xảy ra.
Với thu nhập hiện tại của các tài xế lái xe taxi, xe tải…, việc chi trả các khoản sửa chữa do tai nạn giao thông là gánh nặng tài chính so với mức thu nhập của họ.
Mặt khác, đối với các trường hợp như hư hỏng, mất trộm hoặc các hành vi phá hoại ác ý từ người khác, chủ phương tiện đã tham gia bảo hiểm có thể được đảm bảo quyền lợi.
“Các sự vụ tai nạn xảy ra rất bất ngờ, không thể đoán trước. Vì vậy, việc tham gia bảo hiểm là một biện pháp quản lý rủi ro, giảm đi phần nào gánh nặng và áp lực cho người tài xế”, luật sư Phùng Thị Huyền, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh nhận định.
Theo luật sư Trần Hải Nam, đối với trường hợp ô tô bị sét đánh hay cây đổ, trước tiên, cần làm rõ sự kiện thiên tai như vậy có bị loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hay không. Sau đó, cần xem xét quy định về hồ sơ bảo hiểm tại Hợp đồng bảo hiểm.
Theo đó, tại Hợp đồng sẽ quy định rõ những tài liệu, văn bản cần có để chứng minh sự kiện bảo hiểm.
Điều 53, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 cũng quy định rõ: “Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài ủy quyền thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất. Chi phí giám định tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài chi trả.
Trường hợp các bên không thống nhất về nguyên nhân và mức độ tổn thất thì có thể thỏa thuận thuê giám định viên độc lập, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp các bên không thỏa thuận được việc thuê giám định viên độc lập thì một trong các bên có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền hoặc Trọng tài trưng cầu giám định viên độc lập. Kết luận của giám định viên độc lập có giá trị bắt buộc đối với các bên”.
“Vì vậy, cần căn cứ Hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật để thực hiện việc giải quyết yêu cầu bảo hiểm”, luật sư Nam cho hay.
Chia sẻ về việc tham gia bảo hiểm cho xe ô tô, anh Nguyễn Văn Phương (sống tại Hà Nội) cho hay, anh mua bảo hiểm bắt buộc cho xe ô tô bốn chỗ với mức phí khoảng hơn 400 nghìn đồng/năm. Bên cạnh đó anh cũng mua gói bảo hiểm tự nguyện thân vỏ xe với mức phí là 0,1%/tổng giá trị chiếc xe/năm, mức phí này có thể thay đổi theo thời gian sử dụng của xe.
“Khi thân vỏ xe bị trầy xước, hỏng hóc do va chạm, xe của tôi được đơn vị bảo hiểm sửa chữa hoặc thay thế phụ kiện khi không sửa chữa được, thủ tục giải quyết cũng nhanh chóng”, anh Phương chia sẻ