Ngày 8/9, Ban Thanh niên Quân đội (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam) có tờ trình đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đoàn truy tặng Huy hiệu ‘Tuổi trẻ dũng cảm’ cho Đại úy Nguyễn Đình Khiêm – Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Công binh 513, Quân khu 3.
Ban Thanh niên Quân đội cho biết, Đại úy Nguyễn Đình Khiêm đã có hành động dũng cảm và hy sinh trong khi làm nhiệm vụ phòng, chống cơn bão số 3 năm 2024 tại xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.
Theo đó, khoảng 8 giờ ngày 7/9, Lữ đoàn Công binh 513 tổ chức xe ô tô chở cây về chằng chống lán nhà ở cho bộ đội tại thôn Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh (công trình chốt chiến dịch Bình Liêu 3).
Do ảnh hưởng của mưa bão, đường trơn trượt, xe ô tô bị lật đè lên người Đại úy Nguyễn Đình Khiêm khiến anh bị thương nặng, sau đó mất tại Bệnh viện Đa khoa Bình Liêu vào lúc 9 giờ 20 cùng ngày.
Hàng nghìn bài viết trên mạng xã hội tưởng niệm Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm, người hy sinh khi chống bão Yagi, với lòng tiếc thương vô hạn và niềm cảm kích, biết ơn. 0:00/ 3:55 Nữ miền Nam
“Đi đủ, nhưng lần này về thiếu một người” là dòng trạng thái đầy đau xót mà cư dân mạng đồng loạt đăng tải hôm nay sau khi nhận tin về sự hy sinh của Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm (27 tuổi, quê ở thôn 8, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) khi làm nhiệm vụ phòng chống bão Yagi tại Quảng Ninh. Hành động của anh lao vào đỡ khi thấy đồng đội có nguy cơ bị cây đổ đè trúng bất chấp nguy hiểm tính mạng bản thân được người dân gọi là hành động anh hùng.
“Xin kính cẩn nghiêng mình trước anh, người chiến sỹ của Nhân dân! Biết ơn anh vô cùng! Anh chính là biểu tượng của tinh thần ‘vì nước quên thân, vì dân phục vụ’, yêu thương đồng đội như anh em, là biểu tượng của tinh thần quên mình, phẩm chất cao quý thuộc về bộ đội Cụ Hồ”, những dòng cảm kích tương tự được người dân đăng tải với tình cảm vừa đau xót, thương cảm và kính trọng và biết ơn.
Sáng 7/9, Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm, cán bộ thuộc Lữ đoàn 513 (đóng tại Quảng Ninh) cùng đơn vị làm nhiệm vụ phòng chống cơn bão số 3 tại thôn Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Sau khi lấy xong cây chống, trên đường về, thấy đồng đội trượt chân, có nguy cơ bị cây đè gây nguy hiểm cho các đồng đội khác, Thượng úy Khiêm lao vào đỡ, bị cây đè lên người và không qua khỏi dù đồng đội khẩn trương đưa anh đến bệnh viện cấp cứu.
Đau xót trước các chết của quân nhân 27 tuổi, người dân càng ngậm ngùi hơn khi biết về gia cảnh khó khăn của anh. Thượng úy Khiêm là anh cả trong gia đình 4 anh chị em, trong đó 2 người em đang tuổi ăn học. Bố anh làm nghề thợ xây, còn mẹ làm nông nghiệp ở nhà. Bản thân anh Khiêm mới lập gia đình riêng vào tháng 10/2023.
“Đồng chí Khiêm hy sinh khi còn quá trẻ, để lại vợ trẻ bơ vơ, nỗi đau quá lớn không biết khi nào mới nguôi ngoai”; “Đây không chỉ là sự quên mình của anh Khiêm, mà còn là sự hy sinh to lớn của những người thân của anh”, cư dân mạng xúc động viết.
Những dòng chia sẻ trên trang cá nhân của vợ Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm khiến ai đọc cũng rơi nước mắt: “Không phải em không khoe ảnh vợ chồng mình, mà chỉ là em thích giữ cho em thôi ạ. Vợ tự hào khi là vợ của chồng, một người chiến sỹ đúng như câu nói vì nước quên thân, vì dân phục vụ, hết mình vì nhiệm vụ, hết lòng vì đồng đội. Anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Em sẽ đi đón anh về”.
Hàng nghìn bài viết tưởng nhớ Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm được trân trọng đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Với người dân, sự ra đi của anh là mất mát lớn bên cạnh nhiều tổn thất về người mà cơn bão Yagi gây ra. Câu chuyện về anh là lời nhắc nhở mạnh mẽ về tinh thần quả cảm của những người lính nơi tuyến đầu, xông pha nơi nguy hiểm, gian khổ nhất, sẵn sàng hy sinh bản thân.
Người dân khắp nơi bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự cống hiến và tinh thần quả cảm của Thượng úy Khiêm: “Anh chính là hiện thân của lòng tận tụy, sẵn sàng hy sinh vì sự bình yên của đất nước”; “Chúng ta không thể diễn tả hết lòng biết ơn đối với những anh hùng như Thượng úy Khiêm. Anh đã chiến đấu vì nhân dân đến giây phút cuối cùng. Tấm gương sáng ngời của anh sẽ sống mãi trong lòng mỗi người Việt Nam”, “Bão Yagi qua rồi, nhưng dấu ấn về sự hy sinh thầm lặng và dũng cảm của Thượng úy Khiêm sẽ mãi khắc ghi trong lòng mỗi người dân Việt Nam”.
“Sự ra đi của thượng úy Khiêm là mất mát lớn, anh là con người quả cảm và đáng kính, sẵn sàng hy sinh vì lòng yêu nước và sự bình yên của đồng bào”; “Cầu mong hương hồn Thượng úy Nguyễn Đình Khiêm yên nghỉ. Anh sẽ mãi mãi là ngọn đuốc sáng trong lòng mỗi chúng ta”; “Anh coi sự an toàn của nhân dân và đồng đội là điều đáng trân quý nhất, cần được bảo vệ nhất, đến mức quên đi bản thân. Đáng trân quý biết bao, tinh thần xả thân của bộ đội Cụ Hồ”…
Nhiều cá nhân và tổ chức kêu gọi hỗ trợ gia đình Thượng úy Khiêm như một cách thể hiện lòng tri ân và động viên người thân của anh vượt qua nỗi mất mát.
“Không có gì bù đắp được nỗi mất mát lớn lao này, nhưng hy vọng nỗi đau của gia đình anh sẽ được xoa dịu phần nào bởi sự quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng và xã hội”; “Biết rằng không gì đủ đền đáp cho sự hy sinh của Thượng úy Khiêm, nhưng sự chung tay của cộng đồng cũng giúp người thân của anh được an ủi, biết rằng đồng bào không quên anh, luôn biết ơn anh rất nhiều”…