Người nhái tìm kiếm nạn nhân mất tích
Sáng 15/9, công an, quân đội tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân mất tích trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ).
Ghi nhận của phóng viên Dân trí khoảng 30 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Vĩnh Phúc cùng lực lượng quân đội tích cực tìm kiếm tại phần dầm cầu bị sập.
Thợ lặn, người nhái đã tiếp cận được vị trí chiếc ô tô tải tại nhịp cầu bị sập, trôi dạt sát ven bờ của khu 22 xã Vạn Xuân (huyện Tam Nông, Phú Thọ) nhưng không có nạn nhân trong xe.
Theo quan sát, phần dầm cầu bị sập nằm cách cầu hơn 20m. Phần dầm cầu này đang “chôn” một chiếc xe tải.
Trưa cùng ngày, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông, cho biết công tác tìm kiếm vẫn đang được triển khai đồng bộ, tích cực. Hiện người nhái, thợ lặn đã tiếp cận được xe tải bị “chôn” ở dầm cầu nhưng chưa có kết quả.
Cũng trong sáng nay, các lực lượng của Binh chủng Công binh và Quân khu 2 tích cực gia cố đường lên xuống, cải tạo và xây dựng bến vượt bờ tả ngạn sông Hồng, phía huyện Tam Nông, Phú Thọ để chuẩn bị bắc cầu phao.
Kể từ ngày cầu Phong Châu bị sập, việc đi lại của người dân giữa các huyện Tam Nông, Thanh Thủy,… và huyện Lâm Thao, TP Việt Trì (Phú Thọ) gặp nhiều vất vả.
Trước đây, người dân đi từ huyện Tam Nông đến TP Việt Trì chỉ khoảng 15km. Tuy nhiên, từ khi cầu Phong Châu bị sập, người dân phải đi đường vòng qua cầu Ngọc Tháp với quãng đường lên đến 35km.
Rất nhiều người mong muốn cây cầu mới thay thế cầu Phong Châu sớm được xây dựng để thuận tiện cho việc đi lại.
“Cầu Phong Châu đưa vào sử dụng năm 1995, là cây cầu huyết mạch của tỉnh Phú Thọ.
Hiện có rất nhiều người ở các huyện Tam Nông, Thanh Thủy (Phú Thọ) làm việc tại Khu công nghiệp Thụy Vân (TP Việt Trì) và các công ty ở huyện Lâm Thao.
Từ khi cầu sập việc đi lại của công nhân cũng như học sinh rất vất vả”, anh Nguyễn Công Quyền (33 tuổi, trú xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ) chia sẻ và cho biết bản thân đang làm việc tại Khu công nghiệp Thụy Vân.
Trước khi cầu Phong Châu bị sập, từ nhà anh Quyền đến nơi làm việc khoảng 15km nhưng nay anh phải di chuyển quãng đường hơn 30km. Do đó, anh Quyền mong ngóng cây cầu mới sớm được xây dựng để việc đi lại thuận tiện.
Cùng chung mong muốn như anh Quyền, ông Nguyễn Ngọc Bích (82 tuổi, trú khu 5, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông), bày tỏ khi cầu Phong Châu mới đưa vào sử dụng (năm 1995) là cây cầu đẹp, hiện đại bậc nhất tỉnh Phú Thọ.
Song sau nhiều năm sử dụng, cầu có dấu hiệu hư hỏng, người dân đã có kiến nghị về việc tu sửa cũng như xây cầu mới.
Đến năm 2019, cầu Phong Châu được xử lý xói lở, gia cố trụ cầu. Năm 2023, cầu tiếp tục được thay khe co giãn, sơn lại lan can và kiểm định cầu.
Đề xuất xây cầu mới 865 tỷ đồng
Mới đây, ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ký văn bản gửi Thủ tướng về việc đề xuất Trung ương hỗ trợ công trình xử lý khẩn cấp khắc phục ảnh hưởng của cơn bão số 3.
Tỉnh Phú Thọ đề nghị được giao triển khai các thủ tục đầu tư 2 công trình.
Một là, xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu cũ với quy mô hiện đại, đồng bộ với quy mô tuyến quốc lộ 32C với chiều dài 430m, chiều rộng 21,5m; tổng mức đầu tư 865 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 100%).
Hai là, gia cố, nâng cấp đoạn đê, kè xung yếu và hệ thống tường ngăn lũ thuộc đê tả, hữu sông Thao (kết hợp quốc lộ 2D và quốc lộ 32C) với quy mô dự kiến là 18km (đoạn quốc lộ 2D là 12km, đoạn quốc lộ 32C là 6km), tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 100%).
Hôm 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão và thăm hỏi, động viên người dân vùng lụt, bão tại tỉnh Phú Thọ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Phú Thọ báo cáo về các thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn, đồng thời đề nghị Trung ương quan tâm, giúp đỡ, đầu tư xây dựng cầu mới thay thế cầu Phong Châu cũ với quy mô hiện đại, đồng bộ với quy mô tuyến quốc lộ 32C nhằm đảm bảo an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại ngày càng tăng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…
Cho ý kiến đối với nội dung trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ, cầu Phong Châu là giao thông huyết mạch không phải chỉ cho Phú Thọ mà cho cả các tỉnh xung quanh.
Do vậy, việc đầu tư xây dựng cầu sẽ phải làm và hoàn thành sớm, khẩn trương khảo sát thiết kế, đánh giá cùng với địa phương và triển khai hoàn thành càng sớm càng tốt.
Trước đó, vào khoảng 10h ngày 9/9, cầu Phong Châu thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ bất ngờ bị sập, khiến 2 mố cầu rơi xuống lòng sông Hồng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Phú Thọ, thiệt hại vụ sập cầu có 1 ô tô tải, 2 ô tô đầu kéo, 6 mô tô, 1 xe máy điện và 8 người mất tích.
Đến chiều 14/9, các lực lượng chức năng trong quá trình rà soát, tìm kiếm dọc sông Hồng đã tìm thấy thi thể bà Nguyễn Thị Hường (48 tuổi, trú xã Thạch Đồng) tại đoạn qua địa bàn xã Vĩnh Lại (huyện Lâm Thao, Phú Thọ), cách khu vực gặp nạn khoảng 10km.
Sau một tuần, hiện vẫn còn 7 nạn nhân mất tích.