Chuyên gia cho rằng chính sách ấn định giá của Ngân hàng Nhà nước khiến vàng miếng từng cao hơn nhẫn trơn chục triệu đồng một lượng, nay thấp hơn vài trăm nghìn đồng.
Báo VnExpress ngày 04/10 đưa thông tin với tiêu đề: “Vì sao giá vàng nhẫn cao hơn vàng miếng?” cùng nội dung như sau:
Gần đây, mỗi lượng vàng nhẫn trơn được các nhà vàng thu mua với giá từ 81,5 đến 82,5 triệu đồng, bằng hoặc cao hơn vài trăm nghìn đồng so với vàng miếng SJC. Ở chiều bán ra cho người dân, giá vàng nhẫn cũng lên xấp xỉ vàng miếng.
Hiện tượng này trái với trước đây, khi một lượng vàng miếng thường neo cao hơn chục triệu đồng so với nhẫn trơn, dù bản chất cùng là vàng 4 số 9.
Điều này được các chuyên gia cho rằng xuất phát từ chính sách “ấn định” giá vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước trong khi nhẫn trơn vẫn diễn biến theo kim loại quý quốc tế.
Theo đó, ngày 3/6, Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng cho 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), sau đó các đơn vị này phân phối tới người dân. Giá vàng miếng bán ra thị trường bằng giá bán can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước cộng với biên độ tối đa 1 triệu đồng. Chỉ trong một tuần, mỗi lượng vàng miếng SJC giảm tới 9-10 triệu đồng, tương đương mức điều chỉnh 10%. Từ mức “vênh” hơn chục triệu đồng so với vàng nhẫn, giá vàng miếng chỉ còn cao hơn khoảng 5 triệu đồng.
Thời điểm giữa tháng 6 đến nửa tháng 7, kịch bản giá vàng miếng điều chỉnh chậm hơn so với thế giới tiếp diễn, khiến nhẫn trơn có lúc lên sát vàng miếng.
Và hai tuần trở lại đây, giá vàng thế giới liên tiếp lập kỷ lục, tăng tới 160 USD, tức gần 7%. Giá vàng nhẫn trong nước cũng đi lên với tốc độ tương đương, tăng thêm 4 triệu đồng một lượng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước không cập nhật giá vàng miếng hàng ngày mà chỉ có 3 lần thay đổi, mỗi lần điều chỉnh biên độ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng khiến giá thu mua nhẫn trơn lại cao hơn vàng miếng.
Trên thực tế, lượng cung vàng miếng ra thị trường khá hạn chế so với trước đây, khi chỉ có 5 đơn vị phân phối với số lượng hạn chế. Các doanh nghiệp có giấy phép khác trên thị trường gần như không bán vàng miếng vì không có nguồn cung.
Trong bối cảnh này, nhẫn trơn 24K là mặt hàng đầu tư, tích luỹ được ưa chuộng. Tuy nhiên, nguồn nhẫn trơn cũng trồi sụt theo từng thời điểm, không dồi dào. “Giá thu mua vàng nhẫn vì vậy được nhà vàng đưa lên cao, sát với giá bán ra và thậm chí cao hơn vàng miếng”, một chuyên gia nói.
Dự báo về giá vàng thời gian tới, nhiều chuyên gia cho rằng kim loại quý đang trong chu kỳ tăng. Tuy nhiên, vàng vẫn có thể đối diện với các đợt điều chỉnh ngắn hạn.
Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB dự báo, vàng có thể lên 2.700 USD một ounce trong quý IV/2024, đạt 2.800 USD vào quý I/2025, 2.900 USD vào quý II và 3.000 USD vào quý III năm sau. Rủi ro chính với kịch bản tích cực này là khả năng lạm phát bất ngờ tăng tốc trở lại, buộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) phải thu hẹp quy mô cắt giảm lãi suất dự kiến. Do đó có thể dẫn đến sự gia tăng trở lại của đồng USD và lãi suất sẽ gây bất lợi cho vàng. Ngoài ra, sự gia tăng trở lại của USD vì nhiều lý do nằm ngoài dự báo cũng có thể gây áp lực lên vàng.
Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng, ông Huỳnh Trung Khánh chung nhận định, xác suất cao là vàng vẫn trong chu kỳ đi lên. Đây vốn là kênh trú ẩn nhưng đã đạt hiệu suất sinh lời vượt trội (trên 30% từ đầu năm đến nay) so với nhiều hình thức đầu tư khác. Nhưng theo ông, nhà đầu tư chỉ nên phân bổ 20-25% tài sản để đa dạng hoá danh mục thay vì “bỏ hết trứng vào một giỏ”.
Tiếp đến, báo Vietnamnet ngày 04/10 cũng có bài đăng với thông tin: “Giá vàng hôm nay 4/10/2024 giảm mạnh, chờ tin quan trọng từ Mỹ”. Nội dung được báo đưa như sau:
Giá vàng trên sàn Kitco lúc 21h00 (ngày 3/10, theo giờ Việt Nam) giao dịch ở mức 2.649,2 USD/ounce, giảm 0,41% so với đầu phiên. Giá vàng tương lai giao tháng 12/2024 trên sàn Comex New York giao dịch ở mức 2.668,4 USD/ounce.
Đầu phiên giao dịch ngày 3/10 (theo giờ Mỹ), giá vàng thế giới tiếp tục giảm mạnh. Theo các chuyên gia kinh tế, bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ sẽ được công bố vào cuối tuần, đang được các nhà giao dịch vàng quan tâm.
Đồng thời, thị trường cũng đang chờ đợi bình luận từ các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để tìm ra manh mối lộ trình chính sách tiền tệ để nhận định hướng đi tiếp theo của vàng. Hiện thị trường dự báo khoảng 65% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào cuộc họp tháng 11.
Ngoài ra, sự phục hồi của đồng USD khiến đà tăng của vàng bị hạn chế.
Carlo Alberto De Casa, chuyên gia phân tích thị trường của Kinesis Money, cho biết dù đang chịu áp lực ngắn hạn từ sức mạnh của đồng USD, nhưng môi trường vẫn đang rất thuận lợi cho vàng.
De Casa cho rằng, nếu dữ liệu việc làm được báo cáo trong thời gian tới yếu hơn dự kiến sẽ làm tăng khả năng Fed cắt giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 11. Kịch bản này đẩy giá vàng lên mức kỷ lục.
Về lâu dài, Daniel Hynes, chiến lược gia hàng hóa cấp cao của ANZ, cho rằng triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed sẽ thúc đẩy giá vàng. Mức tăng 28% của vàng kể từ đầu năm đến nay tác động từ chính sách nới lỏng lãi suất của Fed.
Tại thị trường trong nước, chốt phiên ngày 3/10, giá vàng miếng 9999 tại SJC là 82 triệu đồng/lượng (mua vào) và 84 triệu đồng/lượng (bán ra). Doji niêm yết ở mức 82 triệu đồng/lượng (mua vào) và 84 triệu đồng/lượng (bán ra).
SJC công bố giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 81,6-83 triệu đồng/lượng (mua – bán). Doji niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 ở mức 82,5-83,5 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Dự báo giá vàng
Bob Haberkorn, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures, cho rằng vàng vẫn duy trì giá quanh mức cao kỷ lục do lo ngại về tình hình xung đột leo thang ở Trung Đông. Những lo ngại này có thể sẽ đẩy giá vàng lên mức 2.700 USD/ounce.
Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ vừa nâng dự báo giá vàng tăng thêm 200 USD, từ mức 2.700 USD/ounce lên mức 2.900 USD/ounce vào đầu năm 2025.