ɴɡ:ᴏ̣̂ ᴆ:ᴏ̣̂ᴄ tập thể ở Vĩnh Phúc: Che giấu đến bao giờ?

Sau 2 vụ ngộ độc khiến nhiều công nhân nhập viện, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn không công bố doanh nghiệp cung ứng thực phẩm và chưa xử lý cán bộ vi phạm.

Thực phẩm cho nhiều bếp ăn tập thể ở Vĩnh Phúc vẫn lấy từ chợ tạm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Văn Việt.

Thực phẩm cho nhiều bếp ăn tập thể ở Vĩnh Phúc vẫn lấy từ chợ tạm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: Văn Việt.

Hời hợt

Ngày 27/6, nhiều công nhân thuộc Công ty TNHH Sumiriko Việt Nam tại khu công nghiệp này, phải nhập viện do ngộ độc thực phẩm. Vụ việc này bị ém nhẹm, không cung cấp thông tin công khai theo Quyết định 39 của Bộ Y tế.

Quyết định 39 của Bộ Y tế cho biết: “Thủ trưởng đơn vị tiếp nhận được thông tin về ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm phải xem xét về nội dung khai báo để quyết định. Trong trường hợp vụ ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh truyền qua thực phẩm có nguy cơ lan rộng thì phải nhanh chóng phán đoán về quy mô và khả năng lan rộng, phải báo cáo khẩn cấp cho UBND và cho cơ quan Y tế cấp trên biết”.

Thế nhưng đến ngày 02/7, tại cuộc họp báo thường kỳ của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện Sở Y tế và các quan chức của tỉnh không nhắc nửa lời. Vụ ngộ độc xảy ra trước ngày họp báo gần một tuần.

Đến ngày 05/7, khi báo Nông nghiệp Việt Nam đưa thông tin về vụ ngộ độc nêu trên, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị liên quan vẫn im lặng.

Trước đó, báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh chi tiết bằng hình ảnh, video clip cho thấy nhiều doanh nghiệp thu mua nông sản không rõ nguồn gốc, đưa vào bếp ăn tập thể cho công nhân, học sinh ở tỉnh Vĩnh Phúc. Loạt bài cho thấy căn nguyên của vụ hơn 400 công nhân Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam là do ăn phải thực phẩm không rõ nguồn gốc, mua từ các chợ tạm ở TP. Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc.

Ngay 25/7, tức gần một tháng sau 2 vụ ngộ độc tập thể liên tiếp, Sở Y tế Vĩnh Phúc có công văn hồi đáp báo Nông nghiệp Việt Nam. Nội dung công văn hầu hết trích dẫn các quy định hiện hành của Bộ Y tế, UBND tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng điều được đông đảo công nhân đang lao động tại Vĩnh Phúc quan tâm, lại không được hồi đáp.

Cụ thể, về vụ ngộ độc hơn 400 công nhân tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết: “Đã có Báo cáo số 154/BC-SYT ngày 26/6/2024 tổng hợp kết quả công tác triển khai thực hiện vụ ngộ độc thực phẩm tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam gửi UBND tỉnh, Bộ Y tế, các Sở, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan”.

Về vụ ngộ độc tập thể với ít nhất 5 công nhân nhập viện, Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết: “Bệnh viện đã sơ xuất không báo cáo ngay đến Lãnh đạo Sở Y tế, Bệnh viện đã xin rút kinh nghiệm sâu sắc, nghiêm túc chỉnh đốn quy trình báo cáo ngộ độc theo quy định của pháp luật hiện hành, đã ban hành Quyết định số 310/QĐ-HĐKTKL ngày 30/6/2024 về việc xử lý kỷ luật đối với 02 bác sỹ không tuân thủ các quy định chuyên môn, quy trình kỹ thuật”.

Danh sách các trường học, doanh nghiệp mà giáo viên ở huyện Bình Xuyên, ông Phan Anh Đạt cung cấp cho nhóm PV. Ông Đạt nói các đơn vị này đều phải 'lại quả' với Hiệu trưởng. Tuy nhiên, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Bình Xuyên vẫn im lặng, không phản hồi. Ảnh: Đức Bình.

Danh sách các trường học, doanh nghiệp mà giáo viên ở huyện Bình Xuyên, ông Phan Anh Đạt cung cấp cho nhóm PV. Ông Đạt nói các đơn vị này đều phải ‘lại quả’ với Hiệu trưởng. Tuy nhiên, Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Bình Xuyên vẫn im lặng, không phản hồi. Ảnh: Đức Bình.

Từ nội dung công văn hồi đáp của Sở Y tế Vĩnh Phúc, có thể thấy Sở này đã không sâu sát, rốt ráo, thực hiện đúng trách nhiệm của đơn vị trong hai vụ ngộ độc tập thể, xảy ra liên tiếp trong 2 tháng. Sở này cũng không hề nêu biện pháp tham mưu giúp tỉnh quản lý hay có biện pháp phòng ngừa từ xa.

“Có công thì nhận hết, lúc có lỗi thì không ai có liên quan”, một nữ công nhân tại Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam nói.

Gần nửa năm đã qua, song các công nhân ở Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam chưa được đền bù gì thêm. Một cựu công nhân tại Công ty TNHH Sumiriko Việt Nam nói: “Phận làm thuê, giữ lấy mấy đồng lương, chẳng ai dám nói gì nữa đâu”.

Trốn tránh trách nhiệm

Đối với câu chuyện ‘chia chác’ tiền giữa ông Phan Anh Đạt và các doanh nghiệp, trường học, chúng tôi đã cung cấp thông tin cho Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc, UNBD huyện Bình Xuyên, nơi ông Đạt đang làm giáo viên dạy cấp 2. Tuy nhiên, các đơn vị này cũng đều im lặng. Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đổ lỗi cho UBND huyện Bình Xuyên phải có trách nhiệm, bởi Sở này “chỉ quản lý ngành dọc về công tác dạy học”, còn việc chọn giáo viên là do UBND huyện.

Trong khi đó, UBND huyện Bình Xuyên luôn tìm cách tránh né.

Các đơn vị cung cấp thực phẩm cho Công ty TNHH Shinwon Ebenezer Việt Nam, Công ty TNHH Sumiriko Việt Nam, các trường học tại Vĩnh Phúc, là của những ai? Vì sao UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các đơn vị liên quan không công bố thông tin này? Hai vụ ngộ độc liên tiếp, hàng trăm người phải đi cấp cứu, song các quan chức Vĩnh Phúc vẫn tỏ ra vô cảm.

Có thể nói, sức khỏe, tính mạng của công nhân, của học sinh, đang bị UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Giáo dục & Đào tạo, Sở Y tế, UBND cấp huyện ngó lơ.