Vụ thầy giáo không có bằng cấp 3 phải thuê người dạy thay: Hiệu trưởng nói gì?

Mặc dù ông Rơ Châm Thom (Gia Lai) năng lực yếu, ốm đau bệnh tật nhưng nhà trường đồng ý cho thuê người dạy thay với mục đích kéo dài thời gian công tác để được hưởng chế độ BHXH 1 lần.

Ngày 8/12/2024, báo Vietnamnet đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Vụ thầy giáo không có bằng cấp 3 phải thuê người dạy thay: Hiệu trưởng nói gì?”. Nội dung cụ thể như sau:

Vừa qua, đoàn kiểm tra của UBND huyện Chư Păh (Gia Lai) đã phát hiện việc ông Rơ Châm Thom (giáo viên Trường Tiểu học và THCS Ia Mơ Nông) sức khỏe yếu, năng lực chuyên môn hạn chế, đã thuê đồng nghiệp dạy thay từ tháng 9/2022 đến tháng 12/2023.

Đáng chú ý, mặc dù không trực tiếp đứng lớp giảng dạy nhưng ông Rơ Châm Thom vẫn được nhà trường chi trả lương và các chế độ phụ cấp đầy đủ với tổng số tiền 241 triệu đồng. Trong đó, ông Thom đã trả tiền công cho người dạy thay 78 triệu đồng, còn 163 triệu đồng ông Thom giữ lại sử dụng.

Trình bày với đoàn kiểm tra, ông Trần Văn Tĩnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Ia Mơ Nông cho biết, mặc dù trình độ chuyên môn bị hạn chế, tuy nhiên ông Rơ Châm Thom có nhiều đóng góp cho giáo dục. Ông từng vượt khó, đi đầu trong công tác xóa mù, đưa con chữ cho bao thế hệ học sinh trên toàn huyện.

Cũng theo ông Tĩnh, ông Thom là người đồng bào dân tộc thiểu số, nhà trường muốn kéo dài thời gian công tác để ông Thom được hưởng chế độ nghỉ 1 lần. Vì thế hiệu trưởng cùng với tập thể giáo viên đã đồng ý để ông Thom thuê người dạy thay nhưng hàng ngày ông Thom phải có mặt tại lớp để hỗ trợ.

Quá trình làm việc, Đoàn kiểm tra nhận thấy, để xảy ra các khuyết điểm nêu trên trước hết thuộc về Ban Giám hiệu nhà trường và các cá nhân có liên quan đã không kịp thời báo cáo UBND huyện, Phòng GD-ĐT để tìm phương án giải quyết.

Với vai trò là một giáo viên, ông Rơ Châm Thom tự nhận thấy năng lực chuyên môn của bản thân còn hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh nhưng không chịu khó học hỏi để nâng cao trình độ. Mặt khác, ông không báo cáo đề xuất với tổ, khối trưởng chuyên môn, xin ý kiến Ban Giám hiệu xem xét giải quyết.

Việc đề xuất thuê người dạy thay cho bản thân, ông Thom chưa làm tròn nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động giáo dục, vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử; không thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao.

Với vai trò là hiệu trưởng, ông Trần Văn Tĩnh đã đồng ý cho ông Thom thuê người dạy thay mà không báo cáo với cơ quan cấp trên để có biện pháp xử lý. Ông Tĩnh chưa làm tròn trách nhiệm của người đứng đầu, đã vi phạm các nguyên tắc quản lý viên chức, nghĩa vụ của viên chức quản lý.

Sau khi làm việc với Đoàn công tác, ông Tĩnh đã nhận ra những sai sót, khuyết điểm của bản thân trong công tác quản lý giáo dục và sử dụng ngân sách nhà nước. Nguyên nhân dẫn đến sai phạm nói trên là do nhận thức và thiếu kinh nghiệm, cả nể; công tác quản lý chưa chặt chẽ, chưa sâu sát, chưa kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên. Bản thân sẽ nghiêm túc khắc phục sai phạm và tự kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác quản lý.

Đối với phó hiệu trưởng nhà trường, là người được phân công phụ trách chuyên môn, qua các đợt dự giờ đánh giá chất lượng giảng dạy của ông Thom không đạt nhưng bà Thủy chưa kịp thời đề xuất với hiệu trưởng để có biện pháp xử lý hoặc báo cáo với các cơ quan cấp trên xem xét, hướng dẫn giải quyết theo quy định. Bà Thủy chưa làm tốt vai trò tham mưu, vi phạm quy định của Bộ GD-ĐT và Luật Viên chức năm 2010.

Việc không tham mưu cho hiệu trưởng để kiểm tra thời gian không thực hiện giảng dạy của ông Thom nhưng vẫn tham mưu chi trả các chế độ đầy đủ cho người này là trái quy định, thuộc trách nhiệm của viên chức kế toán.

Ngoài ra, trách nhiệm của Công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân, tổ khối trưởng chưa kịp thời đề xuất với Ban Giám hiệu nhà trường xem xét, giải quyết việc ông Thom không tham gia giảng dạy, cũng không có báo cáo với các cơ quan cấp trên để xem xét, xử lý việc ông Thom không giảng dạy mà thuê người khác dạy thay.

Trước đó, báo VTC News đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Phát hiện thầy giáo không có bằng cấp 3, phải thuê đồng nghiệp dạy thay”. Nội dung cụ thể như sau:

Đoàn kiểm tra UBND huyện Chư Păh đã có kết luận về những sai phạm tại Trường Tiểu học và THCS Ia Mơ Nông, trong đó có việc ông Rơ Châm Thom, giáo viên cấp tiểu học thuê người khác dạy thay hơn 1 năm trời nhưng nhà trường vẫn chi trả lương và các khoản phụ cấp cho ông Thom trái quy định.

Từ tháng 9/2022 đến tháng 12/2023, mặc dù được phân công giảng dạy lớp 5B (năm học 2022 – 2023) và lớp 1B (năm học 2023 – 2024), nhưng ông Rơ Châm Thom đã thuê bà B.T.H. và bà T.T.T. (có nghiệp vụ sư phạm) để dạy thay cho mình. Hàng tháng, giáo viên này trả tiền thuê dạy thay từ 6,5 đến 6,8 triệu đồng.

Thuê đồng nghiệp dạy thay.jpgTrường Tiểu học và THCS Ia Mơ Nông, nơi ông Thom công tác. Ảnh: H.T

Đáng chú ý, trong khoảng thời gian trên, ông Rơ Châm Thom vẫn được nhà trường chi trả lương và các chế độ khác là 241 triệu đồng, trong đó ông Thom trả tiền công cho người dạy thay 78 triệu đồng, số tiền 163 triệu đồng còn lại ông Thom sử dụng.

Đoàn kiểm tra khẳng định, việc ông Rơ Châm Thom không thực hiện nhiệm vụ giảng dạy của viên chức giáo viên tiểu học mà thuê người khác dạy thay là không đúng quy định.

Làm việc với đoàn kiểm tra, ông Thom nói mình bị bệnh xương khớp, đau ốm thường xuyên nên đã đề xuất thuê bà Hường, bà Tâm dạy thay và được Ban Giám hiệu cho phép, toàn thể giáo viên và phụ huynh đồng ý. Trong quá trình thuê người dạy, ông Thom luôn có mặt tại lớp học trừ những ngày đi khám chữa bệnh.

Cũng theo ông Thom, ngoài việc sức khỏe yếu, mắt nhìn không rõ, ông còn không có bằng cấp 3 nên năng lực hạn chế. Trong khi đó, chương trình giáo dục năm 2018 khá nặng, ông không cập nhật được các kiến thức, phương pháp giảng dạy mới, không biết sử dụng máy vi tính để soạn giáo án, không thể truyền đạt các kiến thức, làm ảnh hưởng đến chất lượng của học sinh, nhất là học sinh khối lớp 1 và khối lớp 15.

Kết quả kiểm tra hồ sơ chuyên môn cho thấy năng lực giảng dạy của ông Thom không đảm bảo. Các phiếu dự giờ nhận xét: “Giáo viên dạy lung tung”, “Giáo viên không biết phương pháp truyền đạt cho học sinh”. Trong năm học 2021-2022, nhiều tiết dạy của ông bị đánh giá thấp. Kết quả cuối năm cho thấy tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình thấp, thậm chí có lớp tới 61,9% học sinh chưa đạt chuẩn.

Theo đoàn kiểm tra, để xảy ra các khuyết điểm nêu trên trước hết thuộc về Ban Giám hiệu nhà trường và các cá nhân có liên quan đã không kịp thời báo cáo UBND huyện, Phòng GD&ĐT để hướng dẫn đơn vị tổ chức đánh giá năng lực giảng dạy của ông Thom mà lại cho ông Thom thuê người dạy thay.

Xét thấy bản thân ông Thom là người đồng bào dân tộc thiểu số, sức khỏe không đảm bảo, hay đau ốm, hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn, đoàn kiểm tra kiến nghị UBND huyện xem xét không thu hồi số tiền đã chi trả cho ông Thom trong thời gian nói trên.

Theo ông Phạm Minh Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, đơn vị đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan tham mưu UBND huyện xử lý trách nhiệm đối với Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS la Mơ Nông theo Luật Viên chức năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành.