Giò lụa là một trong những món ăn không thể thiếu vào dịp Tết cổ truyền. Vì nhu cầu tiêu thụ lớn, món ăn này có thể bị “tẩm độc” bằng cách cho nhiều hóa chất phù phép, ăn phải đồ ôi ươn, khiến mọi người có nguy cơ mắc bệnh ngay dịp năm mới.
Giò lụa là một trong những món ăn không thể thiếu vào dịp Tết cổ truyền. (Ảnh minh họa)
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cách tốt nhất để đảm bảo sức khỏe, tránh ăn phải giò lụa bẩn, giò chả có sử dụng hàn the là bạn nên bớt chút thời gian làm tại nhà. Tuy nhiên, nếu không thể thì hãy đặt mua giò lụa tại những cơ sở đảm bảo, có uy tín, có nhãn mác cụ thể.
Ngoài ra, để nhận biết giò lụa sạch hay bẩn, có chứa hàn the hay không, vị chuyên gia đưa ra một số gợi ý. Nếu giò lụa xuất hiện những dấu hiệu sau thì không nên mua.
1. Quan sát giò lụa thấy sự bất thường
Giò lụa ngon khi cắt phải mịn và ướt, đôi chỗ trên mặt có vài rỗ xốp. Đây chính là những khoanh giò chả được làm từ thịt ngon, nghiền thịt cho độ quánh dẻo, bọc lớp không khí.
Khi luộc hoặc hấp giò, không khí bục tạo ra mặt xốp. Khi cắt ra, mặt trong của giò lụa phải có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt đặc trưng.
Nếu khi cắt giò mà thấy quá bở, không có mùi thơm đặc trưng, bề mặt khoanh giò không bị lỗ rỗ thì rất có thể đã bị trộn với bột hoặc làm bằng thịt không đảm bảo chất lượng.
Còn nếu giò giòn, dai, láng mịn bất thường thì chắc chắn đã bị pha với hàn the. Tốt nhất không nên mua loại giò này để tránh nạp hóa chất độc hại vào cơ thể.
2. Giò lụa không có mùi đặc trưng
Giò lụa ngon có mùi vị đặc trưng, sau khi nuốt, vị còn đọng lại nơi cổ họng. Khi nhai, giò lụa sạch có vị thơm ngọt, mềm, không bị bã, không có cảm giác khô rắn.
Nếu ăn giò thấy có mùi thơm nồng, thơm sực thì cần cẩn trọng vì rất có thể đó là giò lụa được tẩm ướp chất phụ gia.
3. Sử dụng giấy thử ngâm nước nghệ tươi thấy chuyển màu đỏ
Sử dụng giấy thử ngâm nước nghệ tươi rồi phơi khô, ấn vào bề mặt của giò lụa. Sau 1 phút, nếu thấy giấy chuyển đổi màu sắc từ vàng sang đỏ thì có nghĩa là giò chả đó có chứa hàn the.
Dung dịch nghệ hoặc giấy tẩm nghệ trong môi trường kiềm (pH >7) sẽ chuyển từ màu vàng sang đỏ cam. Hàn the có tính kiềm nên khi tác dụng với giấy nghệ thì làm giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang đỏ.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), hàn the là hóa chất vô cùng độc hại, được Bộ Y tế nghiêm cấm dùng trong chế biến thực phẩm. Do có đặc tính gắn kết với thực phẩm nên hàn the làm cho thực phẩm khó tiêu hơn bình thường rất nhiều.
Chưa hết, hàn the không bị thải loại hoàn toàn mà còn có khả năng tích tụ vào cơ thể lên đến 15% so với lượng tiếp nhận. Nếu thường xuyên ăn giò, chả có sử dụng hàn the, bạn rất dễ bị ngộ độc mãn tính, suy gan, suy thận, biếng ăn, da xanh xao, suy nhược cơ thể, teo tinh hoàn, vô sinh. Phụ nữ mang thai ăn giò, chả chứa hàn the dễ gây nhiễm độc thai nhi…
Thực tế thì hàn the từng được sử dụng trong công nghệ thực phẩm do có thể giữ thực phẩm tươi ngon trong thời gian dài, không bị ôi thiu. Đồng thời, do giúp tăng độ dẻo của thực phẩm nên hàn the được sử dụng để ướp thịt, cá. Tuy nhiên, ông Thịnh khẳng định, rất nhiều nước đã cấm việc sử dụng chất này trong chế biến thực phẩm vì những ảnh hưởng tiêu cực và lâu dài về sức khỏe.
Nguồn: https://kenh14.vn/gio-lua-khong-the-thieu-dip-tet-nhung-xuat-hien-3-dau-hieu-nay-thi-dung-an-vi-co-the-nhiem-doc-20240131155454115.chn