Phải đến năm 2033, người Việt mới lại được đón giao thừa vào 30 tết, lý do là gì?
Giao thừa đánh dấu thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là một thời điểm quan trọng nhất trong năm theo văn hóa của nhiều dân tộc. Đặc biệt, Năm Ất Tỵ 2025 sắp tới đây mở đầu chuỗi 8 năm Âm lịch liên tiếp mà tháng Chạp chỉ có 29 ngày, kéo dài đến hết năm 2032. Phải đến Tết Nguyên đán Quý Sửu năm 2033, chúng ta mới lại đón giao thừa vào 30 Tết.
Người Việt sẽ đón giao thừa vào 29 tết trong suốt 8 năm tới, ngày 30 đi đâu?
Tại sao có hiện tượng này?
Theo chia sẻ với Báo điện tử VTC News, nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn – Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), cho biết Âm lịch được xây dựng dựa trên chu kỳ vận động của Mặt trăng quanh Trái đất. Ánh sáng mà chúng ta thấy từ Mặt trăng thực chất là ánh sáng Mặt trời được phản chiếu. Do vị trí của Mặt trăng thay đổi liên tục trong quỹ đạo, chúng ta không phải lúc nào cũng quan sát được toàn bộ phần sáng của nó, tạo ra các pha như trăng tròn, trăng khuyết…
Chu kỳ quay của Mặt trăng quanh Trái đất không chính xác 29 hay 30 ngày mà trung bình là 29,53 ngày. Vì vậy, các tháng trong Âm lịch được thiết kế luân phiên có 29 hoặc 30 ngày để đảm bảo phù hợp với chu kỳ tự nhiên này.
Theo quy ước, ngày mà điểm sóc xảy ra sẽ được chọn là mùng 1 của tháng Âm lịch. Nếu điểm sóc xuất hiện sau ngày 30, tháng đó được gọi là tháng đủ; ngược lại, nếu điểm sóc rơi vào ngày 29, thì đó là tháng thiếu.
Âm lịch phải theo sát sự thay đổi pha của mặt trăng.
Dựa trên các tính toán thiên văn học, điểm sóc của tháng Chạp năm Giáp Thìn xảy ra vào lúc 5h26 ngày 31/12/2024 (theo giờ Hà Nội). Từ đó, cộng thêm trung bình 29,53 ngày, ta xác định điểm sóc tiếp theo rơi vào khoảng 19h35 ngày 29/01/2025. Vì vậy, ngày 29/01/2025 trở thành mùng 1 tháng Giêng năm Ất Tỵ, và ngày 29 tháng Chạp là ngày cuối cùng của năm Giáp Thìn.
Hiện tượng này chỉ là sự trùng hợp do chu kỳ tự nhiên và các phép tính thiên văn học. Để đảm bảo độ chính xác cao hơn, các nhà nghiên cứu còn kết hợp quan sát thực tế để điều chỉnh điểm sóc khi cần thiết.
Vậy giao thừa không rơi vào 30 Tết có phải là vấn đề gì gây ảnh hưởng lớn không?
Theo quan điểm văn hóa, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM, cho rằng cụm từ “ngày 30 Tết” hay “ngày 30 tháng Chạp” thực chất chỉ nên hiểu là “ngày cuối cùng của năm Âm lịch” thay vì hiểu máy móc là ngày thứ 30 của tháng Chạp. Vì vậy, việc trong 8 năm tới tháng Chạp chỉ có 29 ngày không hề ảnh hưởng đến văn hóa hay đời sống của người dân, mà chỉ đơn thuần là một hiện tượng thú vị trong lịch Âm.
Dù tháng Chạp có đủ 30 ngày hay thiếu chỉ 29 ngày, người Việt Nam vẫn xem trọng ngày cuối cùng và thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, được gọi là Giao thừa. Đặc biệt, trong những năm tháng Chạp thiếu, nhiều người vẫn quen miệng gọi ngày 29 Tết là “30 Tết” bởi “30 Tết” đã trở thành một khái niệm văn hóa để chỉ ngày cuối cùng của năm Âm lịch.
Dù giao thừa có rơi vào ngày 29 hoặc 30 Tết thì cũng không ảnh hưởng gì đến các phong tục tết cổ truyền của người Việt ta.
Vào thời khắc Giao thừa, người Việt thường nhìn lại những gì đã qua trong năm, đánh giá những thành tựu đạt được, những điều còn dang dở, và đặt ra mục tiêu cho năm mới. Đây là lúc để tổng kết và khởi đầu với hy vọng, bất kể tháng Chạp kết thúc ở ngày 29 hay 30.
Thừa Nguyên
Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/nguoi-viet-se-don-giao-thua-vao-29-tet-trong-8-nam-toi-ngay-30-dau-202501020114501793.html