Việc thế chấp tài sản của mình cho người khác đi vay ngân hàng tiềm ẩn không ít rủi ro. Điển hình như vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp phức tạp ở TP Hải Dương gần đây.
Tháng 1/2011, một doanh nghiệp ở TP Hải Dương do ông Bùi Văn B. làm đại diện đã vay Ngân hàng TMCP quốc tế Việt Nam (VIB) số tiền 1 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm khoản vay là 1 xe ô tô khách và tài sản của người thứ ba là bà Nguyễn Thị C. (cùng ở TP Hải Dương) thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất do bà đứng tên.
Sau đó 1 năm, doanh nghiệp trên không trả nợ theo cam kết trong hợp đồng. Ngân hàng VIB khởi kiện ra tòa, yêu cầu phía doanh nghiệp trả nợ gốc và lãi.
Bà C. đề nghị tòa tuyên bố vô hiệu hợp đồng thế chấp do bà ký nhưng không đọc nội dung hợp đồng, đồng thời yêu cầu ngân hàng trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP Hải Dương nhận định, hợp đồng tín dụng nói trên là hoàn toàn tự nguyện, hợp pháp. Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba giữa ngân hàng và bà C. đã được công chứng và đăng ký thế chấp tại Văn phòng đăng ký sử dụng đất theo đúng pháp luật.
Theo quyết định của tòa, doanh nghiệp phải thanh toán số nợ gốc, lãi cho VIB hơn 3,2 tỷ đồng. Trong trường hợp phía doanh nghiệp không trả nợ, ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án phát mại tài sản thế chấp để thu hồi nợ.
Theo chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương, hết thời gian tự nguyện thi hành án nhưng bên phải thi hành án vẫn chưa chấp hành. Qua xác minh, doanh nghiệp này đã không còn hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh từ năm 2012. Trong quá trình xét xử, doanh nghiệp này cũng vắng mặt không rõ lý do.
Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Chi cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương tính toán phương án áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản thế chấp. Nhờ làm tốt công tác vận động, thuyết phục, vụ việc phức tạp trên đã chấm dứt vào cuối năm 2023 mà không phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.
Bài học cảnh tỉnh
Cũng theo Chi cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương, sự việc trên là hồi chuông cảnh tỉnh đối với người thứ ba đứng ra thế chấp tài sản của mình cho người khác (có thể là người thân, họ hàng, bạn bè) để vay ngân hàng. Một số trường hợp sử dụng tài sản thế chấp là tài sản của bên thứ ba nhưng lại không có khả năng thanh toán. Trong những tình huống này, bên thứ ba có nguy cơ mất tài sản. Một phần nguyên nhân do người đứng ra thế chấp tài sản cho người khác vay chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả pháp lý khi tình huống xấu xảy ra, do tin tưởng, thậm chí không đọc, không tìm hiểu kỹ các tài liệu, điều khoản, giấy tờ liên quan đến hợp đồng thế chấp.
Cũng theo Chi cục Thi hành án dân sự TP Hải Dương, vụ việc thi hành án liên quan đến tranh chấp hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp đang chiếm tỷ lệ lớn trong các vụ việc thi hành án hiện nay.
Theo lời khuyên của một luật sư ở Hải Dương, khi giao tài sản để bảo lãnh cho người khác vay tiền ngân hàng, người có tài sản phải tìm hiểu, cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi nếu đã tự nguyện ký kết vào hợp đồng thế chấp thì không thể thoái thác trách nhiệm. Đã có trường hợp, đội ngũ “cò vay vốn” lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số cá nhân, khi làm “hộ” thủ tục vay vốn ngân hàng đã chiếm dụng đến 9 phần, chỉ chuyển lại 1 phần. Trong những trường hợp này, về lý, thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ, nhưng thực tế, việc xử lý tài sản thế chấp của bên thứ ba luôn gặp không ít phiền phức.
Để hạn chế nguy cơ tranh chấp khi nhận tài sản bảo đảm của bên thứ ba, cả ngân hàng và bên vay vốn đều cần đặc biệt lưu ý đến hợp đồng, điều khoản, quy định và cần thẩm định chặt chẽ tài sản thế chấp. Bên đứng ra bảo lãnh cho bên vay vốn thường là người thân, bạn bè của người vay, nhưng khi phát sinh nghĩa vụ bảo lãnh thì họ cũng có thể tìm cách thoái thác dẫn đến ngân hàng có nguy cơ mất vốn. Nhưng ngược lại, nếu bên vay vốn phát sinh phức tạp, không thực hiện đúng hợp đồng, thì bên bảo lãnh cũng khó tránh khỏi liên quan.
* Tên nhân vật trọng bài viết đã được thay đổi.
NGHĨA AN