Nhiều người dân tỏ ra băn khoăn, lo lắng khi giá đất dự kiến điều chỉnh tăng từ 1/8 quá cao so với mức giá cũ. Mức tăng 5-50 lần (tuỳ quận, vị trí) khiến không ít người bị choáng.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT Tp.HCM, nếu được HĐND Tp.HCM thông qua, bảng giá đất điều chỉnh chỉ áp dụng từ ngày 1/8 đến hết ngày 31/12/2024 (5 tháng). Sau đó sẽ tổng kết, đánh giá tác động về mặt kinh tế – xã hội trong 5 tháng áp dụng, từ đó tiếp tục điều chỉnh bảng giá đất để áp dụng từ ngày 1/1/2025 đến hết năm 2025.
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đang trong thời gian lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định điều chỉnh Quyết định 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/01/2020 của UBND thành phố quy định về Bảng giá đất trên địa bàn Tp.HCM. Thời gian góp ý đến hết ngày 28/7/2024.
Tại quận 1: Bảng giá đất dự kiến điều chỉnh tại các tuyến đường đều gấp 5 lần so với quy định trước đó. Cao nhất là 3 con đường Đồng Khởi, Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Nếu được thông qua đơn giá mới của các tuyến này có thể lên đến 810 triệu đồng/m2. Còn đường có đơn giá thấp nhất quận 1 là đường Trương Hán Siêu với 97.5 triệu đồng/m2. Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung thêm đơn giá cho đường Trần Nguyên Đán với 193.5 triệu đồng/m2.
Tại quận 3: Bảng giá đất điều chỉnh tại các tuyến đường trung bình gấp gần 6.3 lần thời điểm hiện tại. Đơn giá lớn nhất là 420 triệu đồng/m2 được áp dụng cho các tuyến đường gồm: Công Trường Quốc Tế, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Trần Cao Vân. Nếu xét về mức tăng thì đường Huỳnh Tịnh Của có mức tăng cao nhất, từ 30 triệu đồng/m2 lên 260 triệu đồng/m2, tương đương gấp 8.7 lần. Quận 3 cũng bổ sung đơn giá cho 1 tuyến đường là Đỗ Thị Lời với 215 triệu đồng/m2.
Tại quận 4 : Đây là khu vực có mức tăng lớn thứ 3 trong các quận với 11.3 lần. Đường số 50 khi từ 9.2 triệu đồng/m2 lên 104 triệu đồng/m2. Xét về trị số thì có 2 tuyến đường có cùng đơn giá cao nhất là 389.9 triệu đồng/m2 là đường Hoàng Diệu (đoạn từ Nguyễn Tất Thành đến Đoàn Văn Bơ) và đường Nguyễn Tất Thành (đoạn từ cầu Khánh Hội đến Lê Văn Linh). Tuyến đường giá đất thấp nhất ở quận 4 theo dự thảo là đường số 32A và đường số 35, có cùng hệ số 98.3 triệu đồng/m2.
Tại quận 5: Có hệ số giá đất tăng trung bình 5.6 lần so với quyết định trước đó. Trong khi phần lớn các tuyến đường đều gấp 5.6-5.7 lần hiện tại thì chỉ riêng đường Đặng Thái Thân gấp đến 6.3 lần, với 170.9 triệu đồng/m2. Tuy nhiên về giá trị thì đường Nguyễn Trãi (đoạn từ Nguyễn Văn Cừ đến Nguyễn Tri Phương) hoàn toàn vượt trội với 368.5 triệu đồng/m2. Ngược lại, tuyến đường có đơn giá thấp nhất là Phú Định với 94.9 triệu đồng/m2.
Tại quận 6: Có mức tăng trung bình 7.7 lần so với quyết định trước đó. Tuyến đường có mức tăng cao nhất là đường số 33 với gấp 11.8 lần, lên 72 triệu đồng/m2. Đường Tháp Mười (đoạn Phạm Đình Hổ đến Ngô Nhân Tịnh) là tuyến đường “đắt” nhất quận 6 với 374 triệu đồng/m2. Còn đất giá thấp nhất là tuyến đường Bà Ký với 60 triệu đồng/m2.
Tại quận 7: Đơn giá đất dự kiến điều chỉnh trung bình gấp 10.5 lần giá đất hiện tại. Tăng cao nhất là đường trục chính (20m) thuộc đường nội bộ khu dân cư Phú Mỹ (khu tái định cư Phạm Hữu Lầu) khi gấp 15.6 lần, với 54.5 triệu đồng/m2. Mặt khác, đường trục 6m của hệ thống đường nội bộ này là tuyến đường giá nhất khu vực với 36.2 triệu đồng/m2. Còn tuyến đường đường Tân Phú (C.2109) (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến cầu Cả Cấm 1) với 250 triệu đồng/m2.
Tại quận 8: Mức tăng trung bình theo dự thảo của khu vực quận 8 là gấp 8.9 lần thời điểm hiện tại. Các đường trong khu dân cư mới phường 7, đoạn lộ giới từ 12m trở lên, là tuyến đường tăng mạnh nhất với 18.3 lần, lên 73 triệu đồng/m2. Còn đường Dương Bá Trạc (đoạn từ Phạm Thế Hiển đến cầu Sông Xáng) là tuyến đường có mức giá cao nhất với 198 triệu đồng/m2. Thấp nhất là đường Hoàng Đạo Thúy với 24 triệu đồng/m2.
Tại quận 10: Mức tăng khá khiêm tốn so với các quận khác khi chỉ gấp 5.4 lần bảng giá đất hiện tại. Tăng nhiều nhất trong dự thảo là đường Trần Bình Trọng khi gấp 5.6 lần, lên 86 triệu đồng/m2, tuy nhiên mức tăng không quá vượt trội so với các tuyến đường trong khu vực. Tuyến đường có mức giá cao nhất là 3 Tháng 2 (đoạn từ Lê Hồng Phong đến Ngã 6 Công Trường Dân Chủ) với 270.2 triệu đồng/m2. Còn có mức giá thấp nhất là đường Nguyễn Giãn Thanh với 76.9 triệu đồng/m2.
Tại quận 11: Mức tăng trung bình 7.5 lần so với quyết định trước đó. Đường Nhật Tảo (đoạn từ Lý Nam Đế đến cuối đường) có mức tăng cao nhất với 9.4 lần, lên 132 triệu đồng/m2. Tuyến đường cao nhất là Lữ Gia (đoạn từ Lý Thường Kiệt đến Nguyễn Thị Nhỏ) với đơn giá có thể đạt 260 triệu đồng/m2. Còn thấp nhất là đường Đội Cung (đoạn từ Lãnh Binh Thăng đến nhà số 63 Đội Cung) với 56.3 triệu đồng/m2. Riêng đường vành đai Đầm Sen dự kiến có giá 115.2 triệu đồng/m2.
Tại quận 12 : Mức tăng trung bình 15.1 lần, trong đó đường Thạnh Xuân 13 (đoạn từ Quốc Lộ 1 đến Cổng Gò Sao) gấp đến 33.4 lần, với 60.2 triệu đồng/m2. Đường Trường Chinh (đoạn cầu Tham Lương đến ngã tư An Sương) là tuyến đường cao nhất với 126.3 triệu đồng/m2. Ngược lại, thấp nhất là đường Trung Mỹ Tây 2A (từ Quốc lộ 22 đến Trường Quân khu 7) chỉ có 10 triệu đồng/m2.
Quận 12 cũng bổ sung thêm đơn giá cho một số tuyến đường trong các khu dân cư, khu tái định cư như: 7 đường thuộc khu Tân Tiến với trung bình 24.2 triệu đồng/m2; 9 đường thuộc khu tái định cư 38ha với trung bình 59.8 triệu đồng/m2; đường A thuộc khu tái định cư Xuyên Á với 17.3 triệu đồng/m2; và đường lộ giới 13m thuộc Hiệp Thành City với 68.8 triệu đồng/m2.
Quận Phú Nhuận dự kiến đơn giá tăng trung bình 7.2 lần so với hiện tại. Các tuyến đường theo dự thảo hoặc gấp 7 lần hoặc gấp 8 lần so với quyết định trước đây. Cả tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi tiếp tục sẽ là đoạn đường “dát vàng” của quận khi có thể lên đến 336 triệu đồng/m2 nếu dự thảo được thông qua. Ngược lại, đường Đặng Thai Mai với 88.2 triệu đồng/m2 là đoạn đường có đơn giá thấp nhất.
Quận Tân Bình có mức tăng bình quân 8.8 lần so với đơn giá cũ. Tuyến đường có mức giá cao nhất là Nguyễn Văn Trỗi (đoạn từ Hoàng Văn Thụ đến ranh quận Phú Nhuận) với 336.6 triệu đồng/m2. Ngược lại, tuyến đường thấp nhất là Huỳnh Văn Nghệ (đoạn từ Phan Huy Ích đến Phạm Văn Bạch) với 54 triệu đồng/m2.
Đồng thời, Tân Phú cũng bổ sung đơn giá cho 7 tuyến đường gồm: Hà Thị Đát, T2, CN13, Phan Thị Hành, Trần Thị Báo, Trịnh Thị Tho và Trần Thị Sa với đơn giá từ 78-95 triệu đồng/m2.
Quận Gò Vấp: Đơn giá bình quận dự kiến gấp gần 8 lần quy định trước đây. Đường Nguyễn Thái Sơn (đoạn từ Phạm Ngũ Lão đến Phan Văn Trị) là tuyến đường có mức giá cao nhất với 140 triệu đồng/m2. Chiều ngược lại, đường Tô Ngọc Vân là tuyến đường có đơn giá thấp nhất với 42 triệu đồng/m2.
Quận Bình Thạnh là một trong những quận có mức tăng đơn giá đất khiêm tốn với 6.8 lần. Đường Điện Biên Phủ (đoạn từ cầu Điện Biên Phủ đến cầu Sài Gòn) là đoạn có mức giá cao nhất với 222 triệu đồng/m2. Trong khi đó, đường Thiên Hộ Dương là đường có đơn giá thấp nhất với 58.8 triệu đồng/m2.
Khu vực này bổ sung đơn giá cho 8 tuyến đường, gồm: đường Trần Văn Kê, Trần Nguyên Đán và Phan Chu Trinh (đoạn từ Chu Văn An đến Nơ Trang Long) với đơn giá từ 102.8-132.3 triệu đồng/m2; 5 đường thuộc nền đất Nhật Thành, phường 13 với giá từ 88-94 triệu đồng/m2.
Quận Bình Tân có đơn giá mới trung bình gấp 12.7 lần so với quy định hiện tại. Cao nhất là các đường 1,2,3,8 thuộc khu dân cư Vĩnh Lộc với 145.8 triệu đồng/m2. Còn thấp nhất là đường Kênh C (Nguyễn Đình Kiên cũ) với 25.7 triệu đồng/m2. Quận cũng bổ sung thêm đơn giá cho 5 đường thuộc khu dân cư phụ trợ phường Bình Hưng Hòa, lần lượt đường số 20,22,17 (lộ giới 16m) có đơn giá 81.5 triệu đồng/m2 và đường số 17A, 17B (lộ giới 12m) có đơn giá 73.5 triệu đồng/m2.
Huyện Hóc Môn với đơn giá bình quân gấp 22 lần hiện tại. Đường có giá cao nhất là Lê Lai với 87 triệu đồng/m2. Còn thấp nhất là đường Trung Lân 4 và Bà Điểm 10 với chỉ 10 triệu đồng/m2. Huyện này bổ sung đơn giá cho 21 tuyến đường với từ 15-35.4 triệu đồng/m2.
Huyện Nhà Bè trong bảng giá đất trung bình mới có thể gấp 13.3 lần so với quy định trước đây. Đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn từ cầu Trạch Đĩa 2 đến cầu Bà Chiêm) là đoạn đường có đơn giá cao nhất với 84 triệu đồng/m2. Còn đường nội bộ khu dân cư Nhơn Đức của CTCP Vạn Phát Hưng có đơn giá thấp nhất với 16.9 triệu đồng/m2. Nhà Bè cũng bổ sung đơn giá cho 23 đoạn đường, dao động từ 9.8-58.8 triệu đồng/m2.
Huyện Cần Giờ trung bình gấp 13.9 lần so với hiện tại. Có đơn giá cao nhất là hai đoạn Rừng Sác từ phà Bình Khánh đến cầu vượt Bến Lức – Long Thành và từ cầu vượt này đến Hà Quang Vóc với cùng 24.6 triệu đồng/m2. Ngược lại, đơn giá thấp nhất thuộc về đường nội bộ của khu dân cư Thiêng Liêng với 3.1 triệu đồng/m2. Huyện Cần Giờ bổ sung đơn giá cho 14 đoạn đường, trong đó 13 đoạn đường có giá từ 3.8-7.1 triệu đồng/m2, riêng đường Lương Văn Nho từ Giồng Cháy tới Rừng Sác có giá 19.9 triệu đồng/m2.
Huyện Bình Chánh cũng có mức điều chỉnh tương tự với 12.3 lần so với hiện tại. Đường có đơn giá cao nhất là đường số 9A thuộc khu dân cư Trung Sơn (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến càu Kênh Xáng) với 200 triệu đồng/m2. Còn thấp nhất là các đường nông thôn còn lại trong huyện, có bề rộng mặt đường dưới 2m, chỉ có giá 3 triệu đồng/m2. Đặc biệt, huyện sẽ bổ sung đơn giá cho 363 tuyến đường mới.
Huyện Củ Chi có bảng giá điều chỉnh dự kiến gấp 19.5 lần so với quyết định trước đó. Tuyến đường “đắt” nhất là Tỉnh lộ 8 (đoạn từ điểm cách cầu vượt Củ Chi 500m hướng Tam Tân đến Trường cấp 3 Củ Chi), có giá 46.8 triệu đồng/m2. Có giá thấp nhất là đường số 813 và Võ Thị Mẹo với chỉ 4.9 triệu đồng/m2. Mặt khác, huyện bổ sung đơn giá cho 5 tuyến đường nằm trong khu tái định cư Vành đai 3 với giá từ 13.7-16.9 triệu đồng/m2.
Với Tp. Thủ Đức, bảng giá sau khi điều chỉnh của khu vực bình quân gấp 13.4 lần so với trước đây. Các đường có mức giá cao nhất là Trần Bạch Đằng, Tố Hữu, Nguyễn Thiện Thành, Nguyễn Cơ Thạch với cùng 295 triệu đồng/m2. Còn thấp nhất là 3 đường số 5-TP, 7-TP và 8-TP, là các đường nối Tô Ngọc Vân, có cùng giá 30 triệu đồng/m2. Bên cạnh đó, Thủ Đức sẽ bổ sung đơn giá cho tổng cộng 75 tuyến đường, bao gồm 48 đường thuộc quận 2 cũ, 21 đường thuộc quận 9 cũ và 6 đường thuộc quận Thủ Đức cũ).
Đối với đất phi nông nghiệp, dự thảo phân loại thành 4 vị trí. Trong đó, vị trí 1 là đất có vị trí mặt tiền đường áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt giáp với đường được quy định trong bảng giá đất.
Vị trí 2 áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt tiếp giáp với hẻm có độ rộng từ 5m trở lên thì tính bằng 0.5 của vị trí 1.
Vị trí 3 áp dụng tương tự đối với các thửa đất, khu đất có ít nhất một mặt tiếp giáp với hẻm có độ rộng từ 3m đến dưới 5m thì tính bằng 0.8 của vị trí 2.
Vị trí 4 áp dụng đối với các thửa đất, khu đất có những vị trí còn lại tính bằng 0.8 của vị trí 3.
Trường hợp các vị trí nêu trên có độ sâu tính từ mép trong lề đường của mặt tiền đường (theo bản đồ địa chính) từ 100m trở lên thì giá đất tính giảm 10% của từng vị trí. Khi áp dụng quy định này thì giá đất thuộc đô thị đặc biệt tại vị trí không mặt tiền đường không được thấp hơn mức giá tối thiểu trong khung giá đất của Chính phủ, tương ứng với từng loại đất.
Nhịp sống thị trường