Nhiều khu tái định cư trên “đất vàng” ở Hà Nội… vắng bóng người ở

(Thanh tra) – Hà Nội – nơi mỗi tấc đất được ví như một “tấc vàng”, thế nhưng tại nhiều khu “đất vàng” ấy, các dự án nhà tái định cư đã được xây dựng cao tầng, kiên cố lại đang bị bỏ hoang, vắng bóng người ở…

Article thumbnail
Khu tái định cư thuộc Khu Đô thị Sài Đồng, Long Biên có vị trí “đất vàng” ở Hà Nội nhưng… bỏ hoang. Ảnh: HH

Khu tái định cư thành nơi… trồng rau, nuôi gà

Giai đoạn 2021-2025, UBND Hà Nội thực hiện kế hoạch đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô và cần thêm khoảng 7.000 căn hộ mới, tương đương khoảng 560.000 m2 sàn để đáp ứng đủ nhu cầu tái định cư.

Trong khi thành phố đang thực hiện kế hoạch cải tạo nhà chung cư cũ nhằm chỉnh trang đô thị và ổn định nơi ở cho người dân thì có một nghịch lý là có nhiều nhà tái định cư đã được xây dựng tại những vị trí đắc địa, được ví như khu “đất vàng” của Hà Nội lại vắng bóng người ở. Cá biệt, có khu bỏ hoang lâu ngày đã trở thành nơi… trồng rau, nuôi gà của người dân sống gần đó.

“Tận mục sở thị” 3 toà nhà No4A, No4B, No4C thuộc Khu Đô thị Sài Đồng, quận Long Biên, phóng viên không khỏi ngạc nhiên bởi khu vực này nằm tại trung tâm khu đô thị, ngay cạnh khu Vinhomes Long Biên, hạ tầng giao thông đã được hoàn thiện đồng bộ, nhưng vẫn bị bỏ hoang. Người dân sống gần đó tận dụng khu đất trống xung quanh toà nhà để trồng rau, quây chuồng nuôi gà.

3 toà tái định cư ở Khu Đô thị Sài Đồng, Long Biên bị bỏ hoang người dân sống gần đó tận dụng khu đất trống xung quanh toà nhà để trồng rau, quây chuồng nuôi gà. Ảnh: HH

Theo tìm hiểu, 3 tòa nhà này thuộc dự án nằm trong Khu Đô thị Sài Đồng do Công ty Handico 3 làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng trên diện tích 421.946 m2 với mục đích để tái định cư tại chỗ cho người dân khi giải phóng mặt bằng, mở rộng tuyến phố Sài Đồng.

Dự án gồm 3 tòa nhà, mỗi toà cao 6 tầng với 150 căn hộ, được hoàn thiện từ năm 2006, đến nay là 18 năm, vẫn đang bị bỏ hoang, không có người về ở. Khu vực vườn hoa, sân chơi xung quanh cỏ mọc um tùm, sơn tường ẩm mốc, chuyển màu rêu phong, gây mất mỹ quan đô thị.

Dự án này được triển khai từ khi quận Long Biên chưa được thành lập, do đó việc bồi thường giai đoạn này chuyển tiếp từ huyện thành quận, dẫn đến sự không thống nhất giữa chủ đầu tư và người dân.

Quan sát 3 toà nhà, phóng viên nhận thấy, đều có điểm chung là thiếu các hạng mục tiện ích cơ bản như: Không có tầng hầm để xe, thiếu hệ thống xử lý nước thải, phòng cháy, chữa cháy, khu vui chơi…

 Theo thời gian, chất lượng 3 toà nhà giờ đây đã xuống cấp, hư hỏng. Ảnh: HH

Một cư dân sống tại toà chung cư SunRise Biulding 3B Khu Đô thị Sài Đồng – đối diện 3 toà bỏ hoang cho biết: Tôi ở đây từ năm 2015, từ đó đến nay 3 toà nhà này đều bị bỏ hoang thế này. Đây là khu nhà dành cho tái định cư nhưng lại thiếu đủ thứ, tiện ích xung quanh chưa hoàn thiện. Do vậy, phần nào không thu hút được người dân đến ở.

Không có người dân ở, cỏ, cây mọc um tùm nơi khuôn viên, người dân xung quanh tận dụng nơi sân trống làm vườn nhỏ trồng rau, có nhà còn quây lại làm chuồng gà.

“Nhìn mà xót xa, trong khi không ít người không có chỗ ở, sống trong những căn nhà chật chội, thiếu điều kiện ánh sáng thì ngay tại trung tâm Thủ đô vẫn có những toà nhà xây dựng cao tầng, kiên cố bị bỏ hoang nhiều năm”, cư dân sống tại toà chung cư SunRise Biulding 3B cảm thán.

Là người dân gốc sống tại khu vực, mười mấy năm chứng kiến cảnh bỏ hoang của 3 toà nhà, ông N.V.A chia sẻ: Đây là dự án nhà tái định cư, nhưng người dân không thoả thuận được về việc bồi thường nên gần 20 năm nay không ai về đây ở. Cả 3 toà này đều bỏ không, không ai ở, cũng không cho ai thuê. Rất lãng phí!

 Cả 3 toà No4A, No4B, No4C đều bỏ không, không ai ở, cũng không cho ai thuê. Rất lãng phí! Ảnh: HH

Theo thời gian, chất lượng 3 toà nhà giờ đây đã xuống cấp, sơn si hỏng, cửa vỡ. Căn hộ là nơi để ở, nhưng giờ lại là nơi để tập kết vật liệu xây dựng, là chỗ đậu xe, khu trồng rau, nuôi gà…

Theo dữ liệu nghiên cứu của Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, nhu cầu nhà ở tại Hà Nội vẫn đang không ngừng tăng lên. Từ nay đến năm 2025, trung bình mỗi năm, dự báo Hà Nội có thể thiếu khoảng 50.000 căn hộ.

Bên cạnh đó, giá nhà cũng tăng cao, giá bán của chung cư quý II đã tăng 24% so với quý I. Ước mơ về một căn nhà để “an cư, lạc nghiệp” đang vượt khỏi tầm với của nhiều người lao động.

Toà nhà T1, T2 nằm ở “vị trí vàng” phía mặt đường Mạc Thái Tổ thuộc Khu Đô thị Nam Trung Yên chỉ lác đác người đến ở. Ảnh: HH

Thế nhưng, tại 2 toà nhà tái định cư khác trên địa bàn quận Cầu Giấy lại vắng bóng người ở. Đó là toà nhà T1, T2 thuộc Khu Đô thị Nam Trung Yên. 2 toà nhà này nằm ở “vị trí vàng” phía mặt đường Mạc Thái Tổ. Mỗi toà cao 30 tầng, từ tầng 1 đến tầng 3 được xây dựng làm trung tâm thương mại, dịch vụ, từ tầng 4 trở lên là để ở. Toà nhà đã hoàn thành từ năm 2016 nhưng sau 8 năm, nơi đây chỉ lác đác người đến ở.

Chị Đ.T.M, dọn dẹp xung quanh toà nhà cho biết, hai tòa nhà to lớn, xây dựng đã lâu nhưng chỉ có vài nhà đến ở. Lâu lâu có người đến xem tưởng là giao nhận nhà, thế nhưng sau lại không thấy đâu.

“Tôi thực sự ngạc nhiên vì trong khi nhiều người không có nhà để ở thì ngay tại vị trí trung tâm của Thủ đô lại có rất nhiều căn hộ bị bỏ không nhiều năm trời thế này. Ai đi qua nhìn cũng thấy tiếc nuối”, chị Đ.T.M chia sẻ.

Vắng bóng người ở, tòa nhà T1, T2 xuống cấp rất nhanh. Ảnh: HH

Không có người ở, tòa nhà xuống cấp rất nhanh. Theo quan sát của phóng viên, 2 tòa nhà đã cũ theo thời gian. Lớp sơn mờ dần, những mảng tường bong tróc nham nhở, nhiều hạng mục xuống cấp, hư hỏng. Một số khu vực trở thành nơi tập kết rác dân sinh gây ô nhiễm môi trường…

Cách đó không xa, tại quận Cầu Giấy, dự án nhà tái định cư N01-D17 (góc ngã tư Trần Thái Tông – Duy Tân), phường Dịch Vọng Hậu mặc dù đã xây dựng gần xong phần thô, nhưng lại đang để hoang.

Theo phóng viên tìm hiểu, dự án được triển khai để phục vụ giải phóng mặt bằng, thi công đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. Dự án gồm 4 tòa nhà cao 15 tầng, 1 tầng hầm; diện tích từ 50 – 90 m2/căn, mỗi đơn nguyên có 5 căn hộ, 2 thang máy, 1 thang thoát hiểm.

Công trình được khởi công từ năm 2010, dự kiến hoàn thành trong năm 2013. Tuy nhiên, đến nay, vẫn đang dang dở do thiếu kinh phí hoàn thành. Hiện, công trình được quây kín bằng tôn, phía bên trong cỏ dại mọc ngang người…

“Bài toán” cần lời giải

Theo số liệu từ Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam công bố, tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 14.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm. Đây là các con số cho thấy vấn đề quản lý sử dụng quỹ nhà tái định cư nhiều năm qua ở các thành phố lớn đang có nhiều bất cập.

 Dự án nhà tái định cư N01-D17 (góc ngã tư Trần Thái Tông – Duy Tân), phường Dịch Vọng Hậu mặc dù đã xây dựng gần xong phần thô, nhưng lại đang để hoang. Ảnh: HH

Trong khi nhiều người dân sinh sống tại đô thị lớn như Hà Nội đang phải ở trong những khu nhà trọ xập xệ, chung cư mini không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy thì việc hàng nghìn căn hộ nhà ở tái định cư bị bỏ không quả thật rất lãng phí. Do đó, cơ quan chức năng cần sớm tìm lời giải cho “bài toán” này.

TS Trần Xuân Lượng – Viện phó Viện Nghiên cứu và Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam cho rằng, nhà ở tái định cư bỏ hoang có thể là một nguồn lực nhà ở tương đối lớn đang bị “lãng quên” trước thực trạng sinh viên, công nhân, người lao động đang thiếu chỗ ở.

Ông nhận định, hiện nhu cầu nhà ở của người dân tại các thành phố lớn rất cao. Các cơ quan quản lý có thể định hướng người dân thuê các nhà ở xã hội, nhà tái định cư đang bỏ hoang… Nhưng để làm được điều này cần phải đẩy nhanh các kế hoạch để “đánh thức” những căn nhà tái định cư. Đặc biệt, sau khi chuyển đổi những căn nhà tái định cư cần đảm bảo an sinh xã hội, hạ tầng giao thông để mọi người dễ dàng tiếp cận…

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng Giám đốc G-Home chia sẻ, ghi nhận ở một vài dự án trên địa bàn Hà Nội, có từ 70-80% những người được mua nhà tái định cư đã chuyển nhượng cho người khác trong vòng 3 năm đầu tiên kể từ khi họ mua nhà, số còn lại có rất nhiều hộ cũng cho thuê lại chứ không ở.

Do vậy, ông Nam kiến nghị, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có một khảo sát nghiêm túc về tỉ lệ người dân thuộc diện tái định cư đang sinh sống tại các khu tái định cư để đưa ra được số lượng căn hộ phù hợp cho loại hình này. Từ đó, tránh tình trạng lãng phí như hiện nay.

Vào tháng 5/2024, tại buổi làm việc với các bộ, ngành bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu chuyển nhà ở tái định cư chưa sử dụng sang làm nhà ở xã hội. Đây được xem là một hướng đi mới để giải “bài toán” nhà tái định cư bị bỏ hoang như hiện nay.

Hải Hà