Chuyện lạ Thái Nguyên, “đào ao” trên mái nhà nuôi cá khiến cả làng tò mò

Ngoài nấu rượu, chăn nuôi lợn, anh Tô Văn Học (SN 1987, người dân tộc Sán Dìu, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) còn làm ao nuôi cá trên mái nhà. Cá nuôi trên mái nhà có chất thơm, ngon, ngọt, không lẫn bùn và khi ăn không có vị tanh.
Chia sẻ với PV Dân Việt, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên anh Tô Văn Học (SN 1987, người dân tộc Sán Dìu, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) phải bỏ dở việc học đại học để về phát triển kinh tế gia đình.
Độc lạ sáng kiến làm ao nuôi cá trên mái nhà của thanh niên dân tộc Sán Dìu ở Thái Nguyên - Ảnh 1.

Tô Văn Học, người nông dân có sáng kiến nuôi cá trên mái nhà ở xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) bắt tay vào nấu rượu men lá từ năm 2017 đến nay. Ảnh: Hà Thanh.

Anh Học cho biết, trước đây, anh chăn nuôi lợn với số lượng lớn. Mấy năm nay, do dịch bệnh triền miên nên anh giảm đàn và chỉ duy trì số lượng vài chục con trong chuồng.

Hiện, gia đình anh đang có khoảng 20 con lợn. Cùng với đó, khoảng 7 năm nay anh Học còn kết hợp nấu rượu men lá để tận dụng bỗng rượu làm thức ăn cho lợn.

Để nắm được được bí quyết nấu rượu ngon, anh Học phải sang tận huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang học hỏi một năm rồi mới về áp dụng tại gia đình.

Tháng 10/2017 anh bắt tay vào nấu rượu, nhưng mẻ đầu tiên đã thất bại. Không nản chí, anh tiếp tục làm lại và rút kinh nghiệm qua lần thất bại trước và rồi anh đã thành công.

Năm 2023, anh Học đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để xây hầm ủ rượu với tổng diện tích 417m2, chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, anh Học còn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để nấu rượu với tổng chi phí lên hơn 3 tỷ đồng.

Độc lạ sáng kiến làm ao nuôi cá trên mái nhà của thanh niên dân tộc Sán Dìu ở Thái Nguyên - Ảnh 2.

Năm 2023, anh Tô Văn Học, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đầu tư xây hầm ủ rượu với chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng. Ảnh: Hà TThanh.

Do hằng ngày phải bơm nước lên mái nhà để làm mát hầm ủ rượu, anh Học đã nghĩ ra ý tưởng tận dụng diện tích và nguồn nước trên mái hầm ủ rượu để nuôi cá. 

Hiện anh Học đang nuôi hai loại cá trắm và cá trôi trên mái nhà với số lượng thử nghiệm khoảng vài chục con. Thức ăn của cá cũng được anh Học tận dụng từ bỗng rượu.

Theo anh Học, để có thể duy trì mô hình nuôi cá trên mái nhà này mất rất nhiều công sức và thời gian vì phải bơm thay nước liên tục, đồng thời phải thường xuyên theo dõi sát sao mà chi phí lại cao.

Cùng với đó là thời gian thu hoạch cá kéo dài lên tới cả năm. Đổi lại, chất lượng cá thơm, ngon, ngọt, cá sạch không lẫn bùn và khi ăn không có vị tanh.

Độc lạ sáng kiến làm ao nuôi cá trên mái nhà của thanh niên dân tộc Sán Dìu ở Thái Nguyên - Ảnh 3.

Tận dụng diện tích mái nhà của căn nhà xây dựng làm hầm ủ rượu, anh Học, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) đã bơm nước lên làm ao nuôi cá trắm, cá trôi. Ảnh: Hà Thanh.

Độc lạ sáng kiến làm ao nuôi cá trên mái nhà của thanh niên dân tộc Sán Dìu ở Thái Nguyên - Ảnh 4.

Trung bình mỗi ngày, gia đình anh Học nấu khoảng 2,5 tạ rượu gạo, bỗng rượu được anh dùng để chăn nuôi, trong đó có nuôi cá trên mái nhà. Ảnh: Hà Thanh.

Hiện nay, trung bình mỗi ngày, gia đình anh Học nấu khoảng 2,5 tạ rượu gạo. Tính ra, mỗi tháng gia đình anh nấu khoảng 10.000 lít rượu, mỗi năm khoảng 80.000 – 90.000 lít. 

Rượu được gia đình anh Học giao chủ yếu cho các nhà hàng trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận như Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng với giá bán 25.000 đồng/lít.

Để đảm bảo lượng rượu nấu ra mỗi ngày, gia đình anh Học sử dụng 2 lao động thường xuyên.

Vào thời điểm từ tháng 8 trong năm trở đi, do nhu cầu của thị trường lớn, anh Học phải thuê thêm lao động nấu rượu với mức lương trung bình từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng.

Với mô hình kinh tế tổng hợp như hiện nay, ước đạt doanh thu mỗi năm của gia đình anh Học khoảng hơn 1 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 500 triệu đồng.