Những cánh diều uy h:iếp an toàn lưới đ:iện ở Thái Bình

NDO – Các địa phương vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có tỉnh Thái Bình từ nhiều năm nay “đau đầu” trong xử lý những chiếc diều lớn, nhỏ mắc kẹt trên đường dây điện, nhất là lưới điện cao áp.
Công nhân ngành điện lực Thái Bình đang xử lý một chiếc diều lớn mắc vào đường dây điện.
Công nhân ngành điện lực Thái Bình đang xử lý một chiếc diều lớn mắc vào đường dây điện.

Tính từ đầu năm đến nay, Công ty Điện lực Thái Bình ghi nhận tới 24 vụ việc liên quan đến hành vi thả diều uy hiếp và gây mất an toàn nhiều tuyến đường dây trên địa bàn.

Những chiếc diều được người dân sử dụng hầu hết là diều sáo có chiều dài từ 1m đến hơn 2m. Trên thân diều thường “cõng” theo những dàn sáo lớn nhỏ có trọng lượng lên đến hàng cân. Thói quen chơi diều, nhất là diều sáo đã ăn vào tiềm thức của đông đảo cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đối với những công nhân ngành điện đang hằng ngày, hằng giờ phụ trách, vận hành lưới điện ở địa bàn nông thôn luôn canh cánh nỗi lo bởi các sự cố do diều gây ra đang tăng dần qua mỗi năm.

Những cánh diều uy hiếp an toàn lưới điện ở Thái Bình ảnh 1
Một chiếc diều sáo “thân đôi” có chiều dài gần 2 mét mắc vào đường dây điện.

Có muôn hình vạn trạng các tình huống diều uy hiếp trực tiếp lưới điện như: diều chao và giắt trên dây dẫn; diều vướng vào cột; dây diều quấn vào dây dẫn; diều giắt vào đầu sứ…

Đối với ngành điện, các sự cố liên quan đến diều đều được xếp vào loại sự cố kéo dài. Tổng thời gian mất điện do diều gây ra tính từ đầu năm đến nay, ngắn cũng diễn ra vài chục phút và sự cố lớn kéo dài đến 369 phút xảy ra ngày 3/5/2024 tại đường dây 22kV thuộc Điện lực Hưng Hà.

Những chiếc diều sáo có kích thước lớn khi chao vào hệ thống lưới điện còn gây đứt dây. Đó là sự việc xảy ra hồi 15 giờ 32 phút ngày 3/6/2024 tại đường dây 22kV thuộc Điện lực Đông Hưng làm mất điện 102 phút, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhiều tổ chức, cá nhân.

Những cánh diều uy hiếp an toàn lưới điện ở Thái Bình ảnh 2
Công nhân ngành điện lực Thái Bình đi thu gom những chiếc diều “vô chủ” mắc vào đường điện.

Ông Nguyễn Đình Khương, cán bộ phòng An toàn, thuộc Công ty Điện lực Thái Bình cho biết, các sự cố liên quan đến những chiếc diều được ghi nhận thường xuyên trong các năm. Qua theo dõi, từ năm 2020 đến nay, số vụ việc về diều có dấu hiệu thuyên giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Thực tế, rất khó giám sát, phát hiện và xử lý được những người thả diều đâm va, giắt vào đường dây, đầu sứ. Phần lớn, khi công nhân ngành điện tới hiện trường xử lý sự cố mất điện thì đây đều là diều “vô chủ”.

Ông Khương cho hay, hành vi thả diều gây sự cố lưới điện là hành vi vi phạm an toàn điện. Hiện nay, hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, tuy nhiên mức phạt còn thấp, chưa đủ tính chất răn đe.

Năm nào cũng vậy, Công ty Điện lực Thái Bình đều có văn bản gửi các phòng chức năng và các đơn vị trực thuộc về đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, học sinh không thả diều, vật bay gây sự cố lưới điện.

Trong tháng 7 vừa qua, Công ty Điện lực Thái Bình còn yêu cầu các Điện lực trực thuộc tham mưu để Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thành lập “Tổ công tác hạ, thu diều” thực hiện tuyên truyền, ngăn chặn việc thả diều, vật bay trong phạm vi ảnh hưởng đến công trình lưới điện cao áp.

Những cánh diều uy hiếp an toàn lưới điện ở Thái Bình ảnh 4
Chơi diều, thả diều là nét văn hóa đặc sắc của người dân vùng nông thôn nếu được tổ chức chặt chẽ và giữ khoảng cách an toàn với đường điện.

Để bảo đảm cho hệ thống lưới điện vận hành an toàn, liên tục, cung cấp điện ổn định phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân, hằng năm Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình cũng thường xuyên ban hành công văn về việc ngăn chặn sự cố lưới điện do thả diều gửi các địa phương, Sở Công thương và Công ty Điện lực Thái Bình.

Được biết, với vai trò và trách nhiệm của mình, Công ty Điện lực Thái Bình vẫn coi công tác vận động, tuyên truyền là giải pháp bền vững, lâu dài để từng bước thay đổi nhận thức, hành vi của người dân.

Bên cạnh đó, nhằm giảm dần các vụ thả diều gần công trình lưới điện rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt của lực lượng chức năng. Trong đó, phải thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn lưới điện trên địa bàn quản lý, nhất là đối với các trường hợp thả diều gây sự cố lưới điện.