Hơn 1.100 m3 gỗ rừng ở Quảng Nam phơi nắng, phơi mưa
(NLĐO) – Hơn 1.100 m3 gỗ rừng tận dụng từ các dự án đường dây điện trên địa bàn huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam chậm được đưa ra đấu giá thanh lý, nằm phơi nắng, phơi mưa.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Nam Giang đang triển khai thi công Dự án đường dây 500kV Monsoon – Thạnh Mỹ và Dự án mở rộng ngăn lộ TBA 500KV Thạnh Mỹ, do Ban quản lý Điện 2 làm chủ đầu tư.
Để thực hiện dự án trên, ngày 21-11-2022, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với hạng mục móng trụ. UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định chuyển đổi hơn 7,6 ha rừng tự nhiên để thực hiện 55 vị trí móng trụ tại 4 xã La Dêê, Chà Vàl, Tà Bhing và Tà Pơơ của huyện Nam Giang.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt phương án tác động và phục hồi đối với diện tích rừng tự nhiên bị ảnh hưởng khi làm 41 tuyến đường tạm phục vụ thi công dự án, tại 4 xã trên với tổng diện tích hơn 3,69 ha rừng tự nhiên.
Theo báo cáo hôm 16-7 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này dự án đã thi công xong 52/55 vị trí móng trụ, 3 móng trụ đang thi công. Tổng khối lượng gỗ rừng tận dụng được hơn 868 m3 và hơn 239 m3 củi, hơn 46,7 ster gỗ.
Dự án cũng đã thi công xong 40 tuyến đường tạm rừng tự nhiên và đang thi công 1 tuyến đường tạm còn lại. Tổng khối lượng gỗ khai thác được hơn 274 m3 và gần 100 m3 củi, 9,3 ster gỗ.
Như vậy, số gỗ khai thác được trong quá trình thi công móng trụ và đường tạm dự án trên là hơn 1.140 m3 và hơn 340 m3 củi. Theo phương án được phê duyệt, số gỗ, củi sau khi khai thác được vận chuyển về bãi tập kết để tổ chức đấu giá thanh lý.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện nay dọc tuyến đường Quốc lộ 14D giáp với Cửa khẩu quốc tế Nam Giang có một số bãi tập kết gỗ rừng khá lớn, gỗ rừng chất thành đống, nằm la liệt.
Điều đáng nói, số gỗ này không hề được bảo quản, che đậy hay có giải pháp bảo vệ mà để nằm phơi mưa, phơi nắng suốt nhiều tháng liền, nhiều chỗ lau lách, cỏ mọc kín.
Do ảnh hưởng của thời tiết, nhiều khúc gỗ bị khô, nứt nẻ, bắt đầu có dấu hiệu hư hỏng. Nếu tiếp tục phơi mưa phơi nắng thì chất lượng sẽ bị giảm, chưa nói đến việc gỗ bị mục ruỗng không thể tận dụng được.
Bà Doãn Thị Tuyết, Giám đốc Ban quản lý (BQL) Rừng phòng hộ Nam Giang, đơn vị được UBND huyện giao giám sát, quản lý, bảo vệ số gỗ rừng trên, cho biết ban đầu BQL có dùng những tấm bạt để che đậy nhưng do số lượng gỗ quá nhiều nên che không xuể.
Bà Tuyết nói rằng dù biết là để phơi nắng, phơi mưa như vậy sẽ giảm chất lượng gỗ, nguy cơ bị hư hỏng cao nhưng không biết làm cách nào, “rộng mênh mông không che hết”. Về tổ chức đấu giá tài sản, bà Tuyết cho biết huyện giao cho Hạt Kiểm lâm và Phòng Tài chính chủ trì.
Ông Lê Tấn Can, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang, cho biết số gỗ trên được khai thác từ cuối năm 2023 đến nay. Do thời tiết không thuận lợi, trời mưa, đường lầy nên vận chuyển từ từ chứ không thể vận chuyển hết ra một lượt được.
Theo ông Can, do khối lượng gỗ lớn và nhiều chủng loại nên Hạt và BQL Rừng phòng hộ Nam Giang chuẩn bị “ngồi lại với nhau” để sàng lọc, phân loại. Quy trình là phải phân ra theo chủng loại, quy cách, lập lý lịch hoàn chỉnh mới tổ chức đấu giá được, việc này sẽ còn tốn rất nhiều thời gian.
Ông Nguyễn Đăng Chương, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết do các đường tạm và móng trụ triển khai chậm nên huyện phải chờ thi công xong mới triển khai hồ sơ đấu giá thanh lý gỗ. Ông Chương cho biết đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện khẩn trương lập thủ tục bán đấu giá trong thời gian sớm nhất.
Một số hình ảnh phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận: