Ngày 6-5-2022, Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH đã có kết luận thanh tra việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tại tỉnh Thanh Hóa. Kết luận này yêu cầu Thanh Hóa đình chỉ, thu hồi trợ cấp của 1.273 đối tượng chi sai, với tổng số tiền phải thu hồi là 200,596 tỉ đồng.
Mặc dù tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương liên quan triển khai thực hiện nhiều giải pháp, thế nhưng đến tháng 7-2024, việc thu hồi số tiền sai phạm mới được 513 triệu đồng (0,26%).
Bà Lê Thị Thuỷ, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH Thanh Hóa, cho biết việc phát hiện nhiều trường hợp hưởng sai chế độ là do trước đây con đẻ của người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, khâu giám định, xét duyệt hồ sơ vẫn chưa chặt chẽ. Sau này, khi chuyển các đối tượng này sang hưởng chính sách đối với người có công, lúc thanh tra mới phát hiện sai sót nhiều như thế.
“Đầu tiên là cơ sở y tế cấp xã, họ sẽ xác định tình trạng dị dạng, dị tật của đối tượng; đối với xã thì căn cứ vào xác nhận của cơ sở y tế về tình trạng dị dạng, dị tật của đối tượng để hoàn thiện hồ sơ đề nghị, chuyển lên Phòng LĐ-TB-XH họ sẽ thẩm định hồ sơ, báo cáo Chủ tịch UBND huyện để có văn bản trình Sở LĐ-TB-XH, căn cứ trên hồ sơ đó thấy đảm bảo theo quy định thì sở trình cấp có thẩm quyền quyết định trợ cấp”- bà Thủy cho hay.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Trần Văn Hùng, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh Thanh Hóa, cho biết tới thời điểm này, việc thu hồi số tiền chi sai gặp rất nhiều khó khăn, dù UBND tỉnh và Sở đã có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc các địa phương, thậm chí cán bộ đã đến từng hộ gia đình gặp gỡ trực tiếp để tuyên truyền, vận động nộp lại số tiền hưởng sai.
“Đến nay số tiền thu hồi được so với số tiền phải thu là rất ít, do hầu hết các đối tượng thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn; hộ nghèo, cận nghèo; dân tộc thiểu số, gia đình có người ốm đau, nhiều người hiện nay già yếu, hết tuổi lao động; một số đối tượng gián tiếp không có việc làm hoặc có nhưng không ổn định nên việc thu hồi hết sức khó khăn, không khả thi”- ông Hùng cho hay.
Về xử lý trách nhiệm, đến nay việc tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân tại các cơ sở y tế, cấp huyện, và Sở LĐ-TB-XH để xảy ra sai phạm từ năm 2005 đến thời điểm thanh tra (2022) đã được thực hiện. Theo đó, tất cả tập thể, cá nhân liên quan tới việc chi sai 200 tỉ đồng không bị xử lý kỷ luật, chỉ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm.
Xin không thu hồi số tiền chi sai
Được biết, liên quan tới việc này, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản đề nghị Bộ LĐ-TB-XH xem xét không thu hồi số tiền trợ cấp đã hưởng của các đối tượng này, bởi lẽ đây đều là những hộ nghèo, cận nghèo; hộ dân tộc thiểu số; hộ có người thân ốm đau bệnh tật lâu năm; bản thân đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, không có công ăn việc làm ổn định; đối tượng có hoàn cảnh gia đình khó khăn.