Với kinh nghiệm ngàn đời, cổ nhân luôn nhắc nhở chúng ta nhớ rằng việc để lại tiền bạc cho con cái có thể là cái họa. Thế nên họ ưu tiên việc truyền lại kiến thức, lời gia huấn, lời khuyên để tương lai con cháu mình hưng thịnh mãi không suy.
Đặc biệt 5 cách tạo phúc cho đời sau luôn được cổ nhân nhắc nhở con cháu mình phải khắc cốt ghi tâm đó là:
1. Lòng biết ơn
Người xưa muốn nhắc nhở cho con cháu mình nhớ rằng, mỗi một bát cơm, bát cháo ăn hàng ngày đều đáng quý, chúng xuất phát từ những hạt chắc nảy mầm, qua bao nhiêu sương gió, đến vụ mùa được gặt hái, chà vỏ… mới xuất hiện trong bữa ăn của chúng ta.
Quần áo chúng ta xem là bình thường nhưng việc để có chúng cũng không dễ dàng, chúng phải trải qua quá trình dài từ xe vô số sợi vải thành tấm cho đến cắt may, giặt là… với công sức của bao nhiêu người mới xuất hiện trước mặt chúng ta.
Thế nên dù ăn hay mặc một thứ gì cũng phải biết rằng chúng đều đáng quý, phải biết tiết kiệm, giữ gìn từng chút một.
Ngay cả trong Phật giáo cũng nhắc nhở chúng ta nên cẩn thận với lượng phúc mình đang có. Sự thật là không ít người lúc trẻ tùy tiện lãng phí thì khi về già sống nghèo khổ. Do đó nhất định phải giáo dục con cái cần kiệm, biết ơn mới có được phúc trạch lâu dài.

2. Kiểm soát dục vọng
Nghĩa là đừng tham lam kẻo những điều bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tai ương, rắc rối cũng là vì tham của cải bất nghĩa mà ra. Điều này nhắc nhở chúng ta cẩn thận kẻo việc say rượu cũng có thể chiêu mời xui xẻo tới.
Lòng tham có thể khiến ta có được tiền bạc nhưng nó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và khoảng thời gian đó cũng chỉ là thấp thỏm trong lo lắng, không được an vui.
Thế nên chỉ người kiểm soát tốt dục vọng, không tham lam mới có thể giữ mình cương trực mà có được phúc báo cho đời sau.
3. Chọn dâu ngoan rể hiền
Khi chọn rể cho con gái nên ưu tiên xem xét, coi trọng phẩm đức của người đó hơn là sính lễ mà họ mang đến.
Khi chọn con dâu cho con trai cần phải lựa chọn cô gái hiền lương hơn là nghĩ tới của hồi môn mà người đó mang theo.
Không chỉ người xưa mà ngay cả ngày nay nhiều gia đình đặt nặng chuyện sính lễ và của hồi môn để xem con trai, con gái của mình có “được giá” hay không. Thực tế là quan niệm này khá lỗi thời, đặt gánh nặng lên đôi vợ chồng trẻ, ảnh hưởng tới cuộc sống hôn nhân của họ sau này.
Cổ nhân coi trọng “môn đăng hộ đối” là suy xét một cách tổng thể các phương diện như quan niệm sống, văn hóa, đạo đức… chứ không phải chỉ chú trọng vào tiền bạc hay địa vị để kết thông gia. Theo đó, khi lựa chọn chồng/vợ, cần phải suy xét đến nề nếp gia giáo, đạo đức của đối phương hơn.
Thực tế hiện nay đã cho thấy nhiều đôi vợ chồng trẻ khi kết hôn không có sẵn của cải nhưng khi hai người chung sức chung lòng thì họ làm ra rất nhiều tiền bạc. Sau vài năm chăm chỉ làm lụng, cuộc sống đã sung túc, không chỉ có của ăn của để mà còn giúp được nhiều người xung quanh mình.
4. Không quên gốc rễ, chăm đọc sách
Người xưa thường nói, gia đình như một gốc cây với ông bà là rễ, cha mẹ là cành, con cháu là hoa trái. Muốn hoa trái nảy nở thì nhất định phải chăm bón cẩn thận từ gốc rễ.
Do đó, không chỉ dạy con phải hiếu nghĩa mà chính bản thân mỗi người phải hiếu thảo với ông bà, cha mẹ của mình. Đó mới là bài học tốt nhất để đời sau noi theo. Từ đó con cháu có thể gìn giữ những giá trị đạo đức tốt đẹp của tổ tiên để lại.
Bên cạnh đó, phải khuyến khích sự ham học, ham đọc của con trẻ. Tục ngữ có lời khuyên: “Tích tiền bất như giáo tử, nhàn tọa bất như khán thư”, nghĩa là tích tiền không bằng dạy con, ngồi nhàn rỗi không bằng đọc sách.
5. Không tranh giành hơn thua
Trong cuộc sống hàng ngày khó tránh được việc tranh giành, cãi cọ, thường chuyện bé xé ra to. Thêm nữa, chính tâm lý hiếu thắng khiến ai cũng muốn tỏ ra mình đúng.
Vậy nên cổ nhân từ lâu đã có nguyên tắc hai không hỏi, ba không tranh trong giao tiếp xã hội để phòng tránh những xui rủi từ việc này gây ra.
Thực tế là ngay cả bản thân ta trong lúc “gân cổ cãi” nhưng đúng sai vẫn chưa tỏ tường, thế nên mâu thuẫn ngày càng lên cao.
Cuối cùng thì cho dù đó là căng thẳng giữa bạn bè, anh em, đồng nghiệp,… thì ai thắng đi nữa vẫn nhận về mình sự thiệt thòi. Thiệt thòi lớn nhất là tình cảm xây dựng bao lâu nay bị sứt mẻ.
Nguồn: https://phunutoday.vn/5-cach-tao-phuc-cho-doi-sau-cua-co-nhan-neu-khong-biet-qua-la-thiet-thoi-ca-doi-d455140.html