Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi Công điện ứng phó với bão số 9. Trong đó yêu cầu các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công điện số 8736/CĐ-BNN-ĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận; các Bộ: Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao; Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam về việc ứng phó với bão số 9.
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tối ngày 17/11, bão MAN-YI đã đi vào vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 9 trong năm 2024.
Vào lúc 4h sáng nay (19/11), vị trí tâm bão số 9 ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 115,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 390km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các bộ, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận phải theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.
Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới là từ Vĩ tuyến 17,0-21,0 độ Vĩ Bắc, phía Đông Kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông; trong 48 giờ tới là từ Vĩ tuyến 17,0-21,0 độ Vĩ Bắc, từ Kinh tuyến 109,5-116,0 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Ngoài ra các đơn vị, tỉnh, thành phố phải sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, hệ thống Đài thông tin duyên hải và các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương tăng cường các biện pháp thông tin về diễn biến của bão đến các cấp chính quyền, chủ các phương tiện hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và nhiệm vụ được phân công chủ động chỉ đạo, phối hợp với các địa phương ứng phó diễn biến của bão.
Trực ban nghiêm túc (24/24h), thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Quang Hùng