Ngắm Máy bay đầu tiên ‘made in Việt Nam’ sản xuất tại Vĩnh Phúc, bay 1.200 km mỗi lần
Chiếc máy bay đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam bởi một công ty trong nước khiến công chúng bất ngờ tại triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.
Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024 đang gây chú ý trước công chúng với nhiều sản phẩm mới về công nghệ và trang thiết bị trong lĩnh vực quân sự. Đáng chú ý, sự kiện này có gian hàng trưng bày chiếc máy bay đầu tiên được sản xuất ở nước ta bởi một công ty Việt Nam.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, đây là mẫu máy bay Flying Legend TP-150, phục vụ cho công tác huấn luyện quân sự cơ bản và tuần tra, mô phỏng theo dòng máy bay huấn luyện Tucano 312 của Brazil – một dòng máy bay chiến đấu hạng nhẹ.
Thực tế, mẫu máy bay TP-150 được thiết kế bởi công ty Flying Legend Italy, sau đó chuyển giao công nghệ cho công ty Cổ phần Flying Legend Vietnam để sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Vĩnh Phúc.
Động cơ, cánh quạt và thiết bị điện tử của các nước phương Tây, phần còn lại bao gồm các cấu trúc thân, cánh, càng và các phụ kiện được sản xuất và lắp ráp hoàn toàn tại nhà máy của Flying Legend Vietnam ở tỉnh Vĩnh Phúc. Các máy bay này chủ yếu sẽ được xuất khẩu sang các thị trường Nam Mỹ, Bắc Phi và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, phần lớn sử dụng trong lực lượng không quân của các nước.
Tên gọi TP-150 có nghĩa là huấn luyện và tuần tra, viết tắt của từ “Trainer & Patrol”. Loại máy bay này có hai phiên bản, FG và RG kèm hai biến thể dùng càng đáp cố định hoặc càng đáp có thể thu/thả. Cả hai đều trang bị động cơ Rotax, sản sinh công suất từ 114 tới 150 mã lực tùy biến thể.
Phạm vi bay của chiếc máy bay đầu tiên “made in Việt Nam” dao động từ 1.130-1.200 km, độ cao tối đa khoảng 7.000 m và tốc độ tối đa ở mức 330 km/h. Mức tiêu hao nhiên liệu được nhà sản xuất công bố từ 24,5-28,3 lít/giờ tùy phiên bản.
Phiên bản RG dành cho hoạt động huấn luyện ở mức độ cao, được trang bị hệ thống càng đáp có thể thu thả, cánh quạt điều chỉnh được góc tấn, trang bị hệ thống điện tử hàng không Dynon với màn hình hiển thị ở buồng lái trước và buồng lái sau, hệ thống đồng hồ cơ, vô tuyến, phát đáp và hệ thống định vị khẩn cấp (ELT).
Phiên bản TP-150 FG dùng để huấn luyện ban đầu cho học viên phi công, trang bị cánh quạt có hoặc không thay đổi được góc tấn. Một số trang bị khác trên phiên bản này có thể kể đến hệ thống điện tử hàng không Dynon với màn hình hiển thị ở buồng lái trước và buồng lái sau, hệ thống đồng hồ cơ, vô tuyến, bộ phát đáp, hệ thống định vị khẩn cấp (ELT), hệ thống lái tự động và thêm các tùy chọn theo yêu cầu khách hàng.
Về trọng lượng và tải trọng, Flying Legend TP-150 có trọng lượng cất cánh tối đa là 750 kg, trọng lượng khô 430 kg và sức chứa hành lý khoảng 34 kg, được chia cho hai phi công. Buồng lái trước dùng màn hình 11 inch hiển thị các thông số bay, buồng lái sau trang bị màn hình nhỏ hơn với kích thước 8 inch.
Bên cạnh phiên bản được trưng bày đã thử nghiệm và đáp ứng tiêu chuẩn hàng không của nhiều quốc gia, tuy nhiên hiện chưa được cấp phép đưa vào vận hành tại Việt Nam. Dự kiến, mẫu Flying Legend TP-150 sẽ được xuất khẩu sang một số quốc gia ở Nam Mỹ, Bắc Phi hoặc khu vực châu Á.
Phiên bản sử dụng tua-bin khí đang được phát triển và dự kiến sớm đưa vào thử nghiệm tại thị trường trong nước. Theo công ty Flying Legend Vietnam, mẫu máy bay TP-150 hướng đến các quốc gia cần tối ưu hóa chi tiêu quốc phòng nhưng vẫn đảm bảo hoạt động huấn luyện quân sự.
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!