Bất bình, bức xúc vì cho rằng trang trại lợn gây ô nhiễm đã hơn chục năm
Thời gian vừa qua, hàng chục hộ dân ở thôn Đông Hòa (xã Đông Á, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) và vùng lân cận rất nhiều lần có ý kiến, kiến nghị đến chính quyền các cấp phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường nước, không khí từ hoạt động chăn nuôi lợn của trang trại tổng hợp Đông Hòa (thuộc Công ty CP Thương mại dịch vụ Đông Á).
Khi sự việc nói trên chưa được giải quyết dứt điểm, thỏa đáng, vào ngày 23.8 vừa qua, hàng chục người dân thôn Đông Hòa, xã Đông Á đã tập trung đông người, đi xe máy thành đoàn kéo nhau lên thành phố Thái Bình – nơi các cơ quan chức năng có liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh đặt trụ sở – để phản đối tình trạng ô nhiễm từ trang trại lợn đã diễn ra từ lâu song chưa được xử lý kịp thời.
Trước sự việc này, sáng ngày 24.8, PV Lao Động đã tìm đến khu vực đặt trang trại tổng hợp Đông Hòa để xác minh, tìm hiểu nguyên nhân. Khi chúng tôi đến nơi, rất đông người dân đã tập trung ở cạnh bờ sông nơi có rãnh nước thải được cho là dẫn từ bên trong trang trại thải ra, sau đó thoát ra sông Trà Lý qua cửa cống 39 trên đê tả Trà Lý.
Tại thời điểm ghi nhận, bằng mắt thường tất cả mọi người có thể thấy rõ dòng nước thải ra từ rãnh thoát nước trong khu vực trang trại lợn có màu đen khác thường. Khi dòng nước này chảy qua cống ngầm chôn dưới lòng đường hòa vào nước sông thì tạo ra 2 dòng nước chảy song song với màu khác nhau, nước sông có màu nâu đục của bùn, phù sa, còn nước thải ra có màu đen.
Bà Phí Thị Tám (48 tuổi, trú thôn Đông Hòa, xã Đông Á) cho biết: “Trang trại này đã có từ hơn chục năm nay, nhiều lần gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chúng tôi đã có đơn thư, kiến nghị rất nhiều lần, nhiều nơi nhưng họ không sợ, vẫn xả thải ra môi trường như thách thức dư luận, nhưng lại chưa bị xử lý nghiêm.
Trại nuôi đến mấy nghìn đầu lợn, mùi phân hôi thối phát ra gió hướng nào thì dân cuối gió phải chịu đủ, còn nước thải thì không biết họ có xử lý hay không nhưng khi thải ra sông vẫn cứ đen ngòm. Cách đây mấy trăm mét có nhà máy nước sạch lấy nước sông Trà Lý làm nước đầu vào, vậy mà trang trại cứ xả thải như thế cả chục năm trời, nước sạch thì cung cấp cho dân 5 – 7 xã quanh đây, thử hỏi liệu có sạch hay không? Chúng tôi yêu cầu, đề nghị cơ quan chức năng đóng cửa, dừng hoạt động trang trại này”.
Trang trại đã nhiều lần bị kiểm tra, xử phạt, chưa nộp 224 triệu đồng tiền phạt
Liên quan sự việc nói trên, trao đổi với PV Lao Động, đại diện chính quyền huyện Đông Hưng cho biết, từ tháng 5.2024, một số công dân xã Đông Á có kiến nghị hoạt động chăn nuôi của trang trại tổng hợp Đông Hòa gây ô nhiễm môi trường, lấn chiếm đất đai. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình sau đó đã ban hành quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, đất đai của doanh nghiệp bằng hình thức kiểm tra đột xuất không báo trước.
Đoàn kiểm tra liên ngành đã tiến hành kiểm tra, trưng cầu giám định môi trường, trưng cầu đo đạc diện tích đất vi phạm và đang hoàn thiện hồ sơ để ban hành kết luận kiểm tra, trình cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã cố gắng, nỗ lực triển khai các công việc theo đúng trình tự, quy định của pháp luật, do đó rất mong bà con nhân dân bình tĩnh cùng chờ đợi kết luận xử lý của cơ quan chức năng. Bà con tránh mất bình tĩnh, tập trung đông người gây mất ổn định an ninh trật tự, có thể dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật không mong muốn”, vị đại diện chính quyền huyện Đông Hưng nói.
Vẫn theo vị này, trang trại chăn nuôi lợn nói trên đã 4 lần bị kiểm tra, xử phạt hành chính trong lĩnh vực môi trường. Đáng chú ý, năm 2023, trang trại bị xử phạt 224 triệu đồng nhưng cho đến nay vẫn chưa nộp phạt, cơ quan chức năng đang xem xét cưỡng chế xử phạt.
Theo tìm hiểu, năm 2009, Công ty CP Dịch vụ thương mại Đông Á lập dự án “Trang trại tổng hợp Đông Hòa” tại xã Đông Á, huyện Đông Hưng với công suất thiết kế/năm: 150 con lợn đực giống, 2.400 con lợn nái sinh sản, nuôi cá 45.000 kg/năm, ba ba 10.500 kg/năm và trồng các loại cây trồng khác.
Trang trại của công ty đi vào hoạt động từ tháng 2.2011, từ đó đến nay đã được Tổng cục Môi trường thanh tra năm 2016, 2017, kiểm tra năm 2022; Sở Tài nguyên và Môi trường Thái Bình kiểm tra các năm 2014, 2023, đầu 2024.
Quá trình thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng xác định công ty đã có thủ tục hành chính về môi trường, đã đầu tư công trình xử lý chất thải tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, vi phạm về bảo vệ môi trường.