Kon Tum thêm một trận động đất lớn, dân Gia Lai bị nứt nhà

Trận động đất có độ lớn 4.2 vừa xảy ra tại huyện Kon Plông (Kon Tum) tiếp tục gây rung chấn lớn, người dân Gia Lai bị nứt cả nhà.


Xã Đắk Tăng (huyện Kon Plông) là một trong các địa phương nằm trong vùng tâm chấn

Ngày 9/8, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý Địa cầu) cho biết, huyện Kon Plông (Kon Tum) vừa xảy ra trận động đất có độ lớn 4.2.

Theo đó, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần ghi nhận, trong ngày 8/8, huyện Kon Plông xảy ra 5 trận động đất, độ lớn từ 2.5 đến 4.2, cấp độ rủi ro thiên tai 0. Đặc biệt, trận động đất thứ 4 xảy ra vào lúc 22h30 có độ lớn lên tới 4.2, tọa độ 14.849 độ vĩ Bắc, 108.266 độ kinh Đông; độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km. Trận động đất này đã gây rung lắc tại tỉnh Kon Tum và các tỉnh lân cận.

Anh T.V.Y (37 tuổi) cho biết, trận động đất lúc 22h30 ngày 8/8 gia đình anh ở phường Yên Thế (thành phố Pleiku, Gia Lai) cũng cảm nhận rung lắc lớn. Sau đó anh Y đi kiểm tra căn nhà của gia đình phát hiện một vết nứt dài 3m.

“Tình hình động đất cứ xảy ra dày đặc như vậy khiến gia đình tôi vô cùng lo lắng, hoang mang. Mong rằng cơ quan chức năng sớm xác định được nguyên nhân, từ đó có phương án tốt nhất để khắc phục”, anh Y nói.

Nhà anh T.V.Y (37 tuổi, trú thành phố Pleiku, Gia Lai) bị nứt sau trận động đất xảy ra vào đêm 8/8

Trong khi đó, UBND huyện Kon Plông cho biết, đã nắm được tình hình trận động đất có độ lớn 4.2 xảy ra vào đêm 8/8, hiện đang kiểm tra thiệt hại. Theo UBND huyện, địa phương đã chủ động triển khai các phương án ứng phó, khắc phục kịp thời thiệt hại sau các trận động đất xảy ra trên địa bàn thời gian qua.

Bên cạnh đó, huyện có sự chuẩn bị từng bước về đầu tư hạ tầng ngày càng vững chắc, đảm bảo an toàn khi cường độ động đất không quá lớn, hướng dẫn người dân cách xây nhà đảm bảo phần nền, tường và mái chịu được lực tốt nhất.

Trước đó, trận động đất trưa 28/7 với độ lớn 5.0 độ, gây rung chấn mạnh, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định đều cảm nhận được rung lắc. Trong thời gian từ 28/7 đến nay, hàng trăm trận động đất xảy ra ở khu vực này, bao gồm các tiền chấn và dư chấn sau động đất chính.