Bán vàng lúc này sẽ đem lại thanh khoản tốt, nhưng cũng có rủi ro trong tương lai.
Ngày 17/5/2025, báo Pháp luật TP.HCM đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Bán vàng lúc này, điều gì xảy ra?”. Nội dung cụ thể như sau:
Giá vàng thế giới hôm nay (17-5) chạm mức 3.201 USD/ounce, tương đương 101 triệu đồng/lượng. Dù giá vàng có suy giảm so với mức kỷ lục 3.400 USD, nhưng đây vẫn là mức cao kỷ lục.
Theo giới phân tích, với giá cao, bán vàng lúc này rất dễ dàng cho những người mua vàng cũng như có các cơ hội thu nhập cao nếu như mua vàng lúc giá thấp.
Tuy nhiên, những người bán vàng lúc này cũng đối diện với việc mất đi một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư đáng tin cậy. Nguyên nhân, giá vàng vẫn đang có xu hướng tăng trưởng ổn định so với các tài sản rủi ro như cổ phiếu.
Ngoài ra, bán vàng lúc này khiến nhà đầu tư sẽ đánh mất một thành phần thiết yếu trong danh mục, là lá chắn vững chắc chống lại lạm phát và những bất ổn khó lường của thị trường.
Thời điểm hiện tại, việc bán vàng đầu tư có vẻ hấp dẫn và mang lại lợi nhuận tức thời cho một số nhà đầu tư.
Thế nhưng, với nhiều người khác, nhu cầu về một công cụ đáng tin cậy để đa dạng hóa danh mục và bảo vệ tài sản khỏi lạm phát lại quan trọng hơn cơ hội lợi nhuận ngắn hạn này.
Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ lưỡng những ưu và nhược điểm trước khi đưa ra quyết định.
Một lựa chọn khôn ngoan có thể là bán một phần vàng để hiện thực hóa lợi nhuận, đồng thời vẫn giữ lại một phần nhỏ để đảm bảo lợi ích lâu dài cho danh mục đầu tư trong tương lai.
Cùng ngày, báo VTC News đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Giá vàng liên tục giảm mạnh: Nên mua hay bán?”. Cụ thể như sau:
Cụ thể, cuối ngày 16/5, giá vàng miếng trong nước đã mất mốc 120 triệu đồng/lượng, giao dịch ở mức 115,7 – 118,7 triệu đồng/lượng (mua – bán). Giá vàng nhẫn cũng lùi về 111,7 – 114,7 triệu đồng/lượng (mua – bán).
Trước diễn biến này, nhiều nhà đầu tư băn khoăn việc nên mua vào nhân lúc giá đang hạ nhiệt hay bán ra để sớm chốt lời?

Trả lời câu hỏi này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc mua hay bán vàng của người dân xưa nay dựa vào việc xác định đỉnh hoặc đáy của giá vàng. Tuy nhiên, thị trường vàng thường rất biến động và cũng đảo chiều rất nhanh, khiến nhà đầu tư thường là không biết đây đã là đáy hay chưa.
” Tôi cho rằng, với mức giá hiện nay thì chưa phải là đáy của vàng. Trong thời gian tới, vàng có thể sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, giá lại cũng có thể đảo chiều nếu có bất kỳ biến động nào về địa chính trị và chính sách thuế quan của Mỹ ”, ông Hiếu nói.
Giải thích kỹ hơn, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu phân tích: Hiện đang có nhiều yếu tố đẩy giá vàng đi xuống, trong đó tác động mạnh nhất là việc Mỹ – Trung đã bước đầu đạt được những thỏa thuận về thuế quan. Ngoài ra, giá vàng giảm còn do nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra để chốt lời.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, những yếu tố đó cũng chỉ là hiện tượng nhất thời. Bởi chính sách thuế quan giữa Mỹ – Trung chỉ mới trên bình diện nguyên tắc chứ chưa có gì cụ thể và cũng chưa phải kết luận cuối cùng. Vì thế, khi hai bên có sự thay đổi thì rất có thể sẽ tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới. Và vàng sẽ lại được săn mua để phòng tránh rủi ro. Lúc đó giá vàng sẽ lại tăng.
Khuyến cáo về việc mua – bán vàng lúc này, TS. Hiếu cho rằng, người dân và nhà đầu tư cần tuân theo kỷ luật về tài chính. Đó là trước hết phải đưa ra được kế hoạch lợi nhuận của mình sau khi đầu tư vàng là bao nhiêu %: 20%, 30% hay 40%…
“ Tính từ thời điểm mua đến thời điểm bán, nếu đạt được mức lợi nhuận đặt ra thì nên bán ra. Với những người đang có ý định đầu tư vào vàng thì cũng cần có mục tiêu lợi nhuận trước khi đưa ra quyết định xuống tiền.
Nếu chỉ theo tâm lý đám đông khi vàng xuống giá mà vội vàng bán ra hoặc đu mua vì sợ để lỡ cơ hội thì có thể sẽ bị hớ. Vì vậy, cần có chiến lược cho riêng mình chứ không nên chạy theo thị trường ”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Ông Đinh Nho Bảng, Chủ tịch Hiệp hội vàng Việt Nam cũng cho rằng, người dân và nhà đầu tư vàng nên đặt một mục tiêu lợi nhuận nhất định vào khoảng 30% là hợp lý. Trong trường hợp nắm giữ vàng tới mức lợi nhuận này là có thể nghĩ tới việc chốt lời để bảo toàn lợi nhuận.
Ngược lại nếu muốn mua vàng lúc này cần cân nhắc dư địa tăng giá còn nhiều hay không. Không nên chạy theo phong trào và đừng quá lo lắng khi thấy giá vàng biến động, điều quan trọng là cần có chiến lược và mục tiêu lợi nhuận.
Theo ông Bảng, việc tích trữ vàng đã trở thành thói quen ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Đây như một hình thức sở hữu “bảo hiểm tài chính” cho gia đình. Vì thế tuy giá vàng có thể giảm liên tiếp như giai đoạn hiện nay nhưng rất có thể chỉ trong giai đoạn ngắn. Nhu cầu trong nước vẫn rất lớn, vì thế chỉ cần sự đảo chiều của giá thế giới thì giá vàng trong nước lập tức tăng theo.
Trong khi đó, ông Quang Huy – CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng (Đại học Nguyễn Trãi) – cho rằng, ở thời điểm này, nhà đầu tư nên tranh thủ vùng giá đang thấp để mua vào. Nguyên nhân là các yếu tố chính trị trên thế giới diễn biến rất khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế, vàng vẫn được giá và có cơ hội tăng lại.
Vàng được dự báo đạt 4.800 USD/ounce vào năm 2030
Dù giá vàng năm nay đã bứt phá mạnh mẽ, chạm đỉnh lịch sử 3.500 USD/ounce, các chuyên gia tại Tập đoàn quản lý tài sản và đầu tư Incrementum AG nhận định xu hướng tăng dài hạn mới chỉ ở giai đoạn đầu và sẽ còn tăng mạnh hơn trong nửa cuối thập kỷ này.
Trong báo cáo thường niên In Gold We Trust công bố ngày 15/5, nhóm nghiên cứu do Ronald-Peter Stöferle và Mark Valek dẫn đầu giữ nguyên dự báo giá vàng đạt 4.800 USD/ounce vào năm 2030. Tuy nhiên, với lạm phát đang gia tăng, họ đưa ra kịch bản lạc quan với giá vàng có thể vọt lên 8.900 USD vào cuối thập kỷ.
“ Từ đầu năm, đà tăng mạnh đã đưa giá vàng tiến gần hơn đến kịch bản lạm phát so với kịch bản cơ bản ”, các nhà phân tích nhấn mạnh.
Nguồn: https://plo.vn/ban-vang-luc-nay-dieu-gi-xay-ra-post850252.html