Sở Y tế TP.HCM vừa công bố biến chủng COVID-19 NB.1.8.1 chiếm 83% mẫu xét nghiệm tại thành phố này.
Ngày 25/5/2025, Tạp chí Người đưa tin đã đăng tải bài viết với tiêu đề: “Biến chủng mới chiếm 83% mẫu COVID-19 tại TP.HCM từng xuất hiện tại 22 quốc gia, có đặc điểm gì?”. Nội dung như sau:
Biến chủng COVID-19 NB.1.8.1 chiếm 83% mẫu xét nghiệm ở TP.HCM
Trước tình hình ca mắc COVID-19 có dấu hiệu tăng trở lại, đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh phối hợp với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) đã tiến hành giải trình tự gen các mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân nhập viện trong tuần 3 tháng 5/2025.
Kết quả cho thấy 83% mẫu mang biến chủng NB.1.8.1 – một biến thể phụ của XDV.1, được hình thành từ sự tái tổ hợp giữa JN.1 và XDE.
Tại TP.Hồ Chí Minh số ca COVID-19 được ghi nhận có xu hướng gia tăng từ tuần 16 đến tuần 20/2025. Trong tuần 20 (12–18/5), Thành phố ghi nhận 26 ca, tăng gần gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước đó (10 ca/tuần). Tính từ đầu năm đến nay, tổng cộng đã có 79 ca COVID-19 được báo cáo, trong đó không ghi nhận trường hợp nặng phải hỗ trợ hô hấp.
Theo các chuyên gia, sự xuất hiện biến thể mới NB.1.8.1 có thể là nguyên nhân gia tăng số ca bệnh COVID-19 tại Thành phố trong những tuần gần đây, tương tự như ở một số nước trên thế giới trong thời gian qua. Đây là hiện tượng thông thường khi xuất hiện một biến chủng mới.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành công văn số 5423/SYT-NVY, chỉ đạo toàn ngành tiếp tục trong tư thế sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh. Các cơ sở y tế cần thực hiện tốt việc thu dung, điều trị, phát hiện sớm và xử trí kịp thời các trường hợp có dấu hiệu chuyển nặng, đặc biệt tập trung bảo vệ nhóm nguy cơ cao (người lớn tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ có thai, …).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) được giao phối hợp với OUCRU tăng cường giám sát ca bệnh và biến chủng, đánh giá nguy cơ để kịp thời triển khai biện pháp phòng chống dịch phù hợp.
Sở Y tế khuyến cáo người dân không hoang mang, nhưng tuyệt đối không chủ quan. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Biến chủng COVID-19 NB.1.8.1 có đặc điểm gì?
Tính đến ngày 22/5/2025, biến chủng NB.1.8.1 đã được phát hiện tại 22 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… Dữ liệu từ CDC Hoa Kỳ và các hệ thống giám sát châu Âu cho thấy NB.1.8.1 đang lan rộng tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại Mỹ, Anh, Đức và Úc. Tại một số khu vực, biến thể này đã chiếm hơn 15% tổng số ca nhiễm mới tính đến tháng 5/2025. Các chuyên gia đánh giá NB.1.8.1 có tốc độ lây nhiễm cao hơn hẳn XBB.1.5 và EG.5, từng là các biến thể chủ đạo trước đó.
Ở Đài Loan ( theo taipeitimes.com), NB.1.8.1 hiện đang là biến chủng chiếm ưu thế gây bệnh, phần lớn số ca bệnh nặng là những người chưa tiêm đủ vắc xin COVID-19.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn chưa xếp NB.1.8.1 vào nhóm biến chủng nào trong 3 nhóm nguy cơ (VUM – biến chủng cần được theo dõi, VOI – biến chủng cần quan tâm và VOC – biến chủng quan ngại), và chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy biến chủng này có khả năng lây lan nhanh hơn hay gây bệnh nặng hơn so với các chủng trước đây.
Theo các chuyên gia, NB.1.8.1 không gây triệu chứng nặng hơn đáng kể so với các dòng khác. Phần lớn các ca mắc có triệu chứng nhẹ đến trung bình như: Sốt nhẹ, ho khan, mệt mỏi; Viêm họng, chảy nước mũi; Một số trường hợp mất khứu giác/tăng tiết mũi.
Các chuyên gia dịch tễ học cho rằng NB.1.8.1 có thể trở thành biến thể chủ đạo trong giai đoạn 2025–2026, nếu không có biến thể mới nổi trội hơn. Do đó, cần: Tăng cường giám sát gen tại các nước đang phát triển; Cập nhật phác đồ điều trị và hệ thống tiêm chủng; Chuẩn bị sẵn sàng cho các làn sóng dịch mới.
Nguồn: https://cafef.vn/bien-chung-moi-chiem-83-mau-covid-19-tai-tphcm-tung-xuat-hien-tai-22-quoc-gia-co-dac-diem-gi-188250525144650848.chn