Bộ Công an đề xuất phạt đến 14 triệu đồng đối với nhiều hành vi vi phạm của người đi mô tô, xe máy.
Phạt nặng hành vi vi phạm gây tai nạn giao thông
Bộ Công an đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Dự thảo đưa ra mức phạt lên tới 10-14 triệu đồng đối với nhiều hành vi vi phạm của người đi mô tô, xe máy.
Đó là các hành vi vi phạm dưới đây mà gây tai nạn giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ:
Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;
Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
Điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định;
Bộ Công an đề xuất phạt tiền đến 14 triệu đồng đối với người đi xe máy vi phạm.
Dự thảo còn quy định về xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự vi phạm quy tắc giao thông đường bộ.
Cụ thể, sẽ phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm như: Đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển Cấm đi ngược chiều (trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định); Không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ.
Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.
Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm: Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h; Điều khiển xe không quan sát, giảm tốc độ hoặc dừng lại để bảo đảm an toàn theo quy định mà gây tai nạn giao thông;
Điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; đi vào đường cao tốc, dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông;
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Bị phạt kịch khung nếu trốn tránh đo nồng độ cồn
Dự thảo cũng đề xuất phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; Quay người về phía sau để điều khiển xe hoặc bịt mắt điều khiển xe;
Điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; Điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh;
Không chấp hành đo nồng độ cồn sẽ bị xử phạt ở mức kịch khung.
Điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định; Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn;
Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở;
Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ; Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về chất ma túy của người thi hành công vụ.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển mô tô, xe gắn máy còn có thể bị trừ điểm giấy phép lái xe, tịch thu phương tiện trong một số hành vi vi phạm mà dự thảo quy định.