Đi bộ 40 km về nhà, nữ sinh không kịp tiễn đưa 5 người thân lần cuối

Nhận được tin ngôi nhà bị sạt lở, bố mẹ và người thân trong nhà mất tích, Giấy cùng anh trai di chuyển từ trung tâm H.Bát Xát về nhà nhưng đường đi bị chia cắt bởi sạt lở nên hai anh em đã phải đi bộ.

Báo Thanh Niên ngày 5/10 đưa thông tin với tiêu đề: Đi bộ 40 km về nhà, nữ sinh không kịp tiễn đưa 5 người thân lần cuối. Với nội dung như sau:

Trưa 4.10, sau khi xem phóng sự Nghẹn ngào nước mắt trẻ thơ bên những ngôi nhà đổ sập ở thôn Kho Vàng của nhóm phóng viên Báo Thanh Niên, nhiều người dân có mặt tại trụ sở UBND H.Bát Xát đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh đau thương con mất cha, vợ mất chồng sau cơn lũ kinh hoàng ở sông Chảy (thôn Kho Vàng, xã Nậm Lúc, H.Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) vào đêm 9.9.

Giấy và cô giáo xúc động sau khi theo dõi phóng sự của nhóm PV Báo Thanh Niên

Trong số đó có em Sùng Thị Giấy (thôn Phìn Chải 2, xã A Lù, H.Bát Xát), học sinh lớp 10 tại Trung tâm giáo dục thường xuyên H.Bát Xát. Giấy khóc nức nở bởi câu chuyện của những đứa trẻ mồ côi kia cũng là nỗi đau mà em phải chịu trong những ngày thảm họa thiên tai lịch sử ở miền Bắc.

Không kịp tiễn đưa gia đình lần cuối

Nhớ lại thời điểm nhận tin dữ, Giấy cho biết, khoảng 4 giờ sáng 9.9, khi đang ngủ nội trú ở trường, Giấy được một người cháu ở gần nhà gọi điện thông báo ở thôn Phìn Chải 2 xảy ra sạt lở và nhắc gọi điện về nhà xem tình hình. Lập tức, Giấy gọi điện cho bố mẹ nhưng không được nên rất lo lắng.

Đến khi trời sáng hẳn, em tiếp tục gọi điện nhưng đầu dây bên kia vẫn không trả lời. Lúc này, lòng Giấy nóng như lửa đốt, em hy vọng nếu có bị sạt lở thì chỉ bị nhà cửa thôi, còn người sẽ chạy được. Thế nhưng khi nhận được thông báo 5 người trong gia đình mất tích từ hàng xóm, Giấy như chết lặng.

Giấy bật khóc khi nghĩ về gia đình

Ngoài trời lúc này vẫn mưa lớn, Giấy xin giáo viên phụ trách về nhà tìm người thân nhưng các cô không đồng ý bởi đường đi nguy hiểm, nhiều đoạn bị sạt lở, không có phương tiện nào tiếp cận được. Giấy gọi điện cho anh trai và chị dâu đang làm ở Hải Dương nhưng anh chị cũng chưa về được ngay.

Hai ngày sau, anh trai về tới Bát Xát rồi đến trường đón Giấy về nhà bằng xe máy. Tuy nhiên, quãng đường 60 km về nhà của hai anh em lại không hề dễ dàng bởi hàng trăm điểm sạt lở.

“Chúng em đi được khoảng 20 km đến xã Trịnh Tường thì không đi được nữa bởi sạt lở chia cắt đường. Lúc này, hai anh em gửi xe máy, đi bộ đến thôn Bản Pho ngủ nhờ nhà người thân một đêm. Sáng hôm sau, đường về tiếp tục xuất hiện nhiều điểm sạt lở hơn nên anh trai bảo em ở lại đó, anh sẽ đi bộ về trước, 1 – 2 ngày nữa nếu đường thông thì đi về sau”, Giấy nhớ lại.

Những ngày sau đó, Giấy chờ đợi trong vô vọng. Nữ sinh cũng không có thông tin từ gia đình bởi cả khu vực thôn Phìn Chải 2 đã mất sóng. 4 ngày sau, Giấy quyết định đi bộ về nhà.

“Em đi bộ gần đến xã A Lủ thì anh trai xuống đón, em không tính được mình đã đi bộ bao nhiêu km nhưng đường rất khó đi, có lúc em cảm thấy mỏi không đi được nữa nhưng trong lòng vẫn phải quyết tâm bước tiếp, bước để về xem nhà, bước để về thăm bố mẹ”, Giấy kể lại.

Khu vực ngôi nhà của Giấy và 3 hộ dân khác bị sụt xuống chân núi

Về đến nơi, nữ sinh không tin vào mắt mình khi ngôi nhà thân yêu bị sạt lở không còn dấu vết, cả nhà 5 người thiệt mạng đã được tìm thấy và được người dân mai táng, Giấy không có cơ hội tiễn bố, mẹ, em gái và 2 cháu lần cuối.

Thảm họa Làng Nủ: Vực dậy sau đau thương và những bài học sống còn

Bữa cơm cuối cùng của gia đình

Đứng trước nơi mình được sinh ra, Giấy nhớ về lần sinh nhật cuối cùng được bố mẹ tổ chức. Em nhớ được bố mẹ mua cho nhiều kẹo, mua bánh sinh nhật đẹp và ăn một bữa cơm thật ngon. Vậy mà giờ đây cả nhà mãi mãi chia lìa. Giấy bật khóc rồi tự trách giá như bản thân có thể về sớm hơn, tự trách bản thân chưa một ngày được báo hiếu bố mẹ.

Các thầy cô giáo luôn bên cạnh chia sẻ, động viên nữ sinh

Giấy có một hy vọng, ước một lần được “gặp bố mẹ trong giấc mơ” để nói “sẽ học giỏi và chăm sóc bố mẹ thật tốt”, bù lại những ngày mà Giấy không ở nhà, thế nhưng điều đó vẫn chưa thành hiện thực.

“Lần cuối cùng em được gặp bố mẹ là dịp nghỉ lễ 2.9. Đó là bữa cơm cuối cùng em được ăn với họ. Còn bữa cơm có mặt tất cả thành viên gia đình thì lâu lắm rồi, tận kỳ nghỉ lễ 30.4 vừa rồi mới đông đủ 8 người. Lúc đấy, em còn hứa với bố mẹ và anh chị “sau này con sẽ cố gắng học hành để có điều kiện đưa bố mẹ đi đến những nơi mà chưa bao giờ được đi”. Vậy mà…”, Giấy nghẹn ngào.

Trao đổi với Thanh Niên, anh Thò A Cự, Thôn trưởng thôn Phìn Chải 2 (xã A Lù), cho biết trước khi xảy ra vụ sạt lở thương tâm khiến 4 ngôi nhà sụp đổ, 7 người thiệt mạng, khu vực này mưa rất lớn.

Khoảng 2 giờ sáng 9.9, anh không ngủ nên mang đèn ra đường đi xung quanh thôn, khi vừa ra khỏi nhà được khoảng 20 m thì nghe thấy tiếng “ụp”, quay lại thì thấy 4 nhà đã bị sạt xuống chân núi.

“Khi đó, tôi điện cho những người trong nhà nhưng không ai bắt máy, nghĩ có chuyện chẳng lành, tôi hô hào người dân ra xem và báo cáo lên cấp trên. Sáng hôm sau, công việc tìm kiếm được triển khai, 5 ngày sau, thi thể 7 người đã được tìm thấy và mang đi mai táng”, anh Cự nói.

Theo anh Cự, gia đình nữ sinh Sùng Thị Giấy có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Sau trận thiên tai, gia đình 8 người chỉ còn lại Giấy và anh trai, chị dâu. Thời điểm đó, Giấy đi học, vợ chồng anh trai đi làm ở Hải Dương nên 3 người mới thoát nạn.

Sau khi biết tin gia đình gặp nạn, Giấy và anh trai đi bộ 40 km về nhà nhưng cũng không kịp tiễn bố mẹ lần cuối.

Nghẹn ngào nước mắt trẻ thơ bên những ngôi nhà đổ sập ở thôn Kho Vàng

Sùng Thị Giấy là một trong 10 trẻ em mồ côi sau bão số 3 tại H.Bát Xát (Lào Cai) được Báo Thanh Niên bảo trợ. Đây là chương trình “Cùng con đi tiếp cuộc đời, bảo trợ trẻ em mồ côi sau cơn bão số 3” do Báo Thanh Niên khởi xướng.

Trước mắt, Báo Thanh Niên sẽ bảo trợ 50 em nhỏ trong vòng 5 năm, với số tiền 2 triệu đồng/tháng/1 em tại Lào Cai. Sau đó, chương trình tiếp tục được nhân rộng sang các tỉnh Yên Bái, Cao Bằng… với tổng số tiền dự kiến hơn 9,3 tỉ đồng.

Tiếp đến, báo Tuổi Trẻ cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Tột cùng nỗi đau anh công nhân mất 5 người thân vì sạt lở, đám tang làm bên chuồng trâu

Nội dung được báo đưa như sau:

Vợ chồng Sùng A Giàng và em gái (Phìn Chải 2, xã A Lù, Bát Xát, Lào Cai) đang ở nhờ chuồng trâu hàng xóm chịu tang 5 người thân đã mất vì sạt lở.

Sùng A Giàng đang ở tạm chuồng trâu nhà hàng xóm để chịu tang 5 người thân trong gia đình – Ảnh: VŨ TUẤN

Đám tang bên chuồng trâu

Người dân ở Phìn Chải (xã A Lù, buyện Bát Xát, Lào Cai) chưa bao giờ chứng kiến một đám ma nhiều người chết, nhiều ngày như thế. Rạp đám ma bằng cái bạt căng tạm ngay bên chuồng trâu nhà hàng xóm.

Sau một ngày tìm kiếm, hai thi thể được đưa ra khỏi đống đổ nát, người dân dọn tạm cái chuồng trâu ngay bên đường, trải tấm bạt làm chỗ trú. Một tấm bạt khác căng ngang đường bê tông để lấy chỗ làm đám ma.

Cách đó mươi bước chân là căn nhà bị sập một góc, cột kèo ngổn ngang. Đối diện căn nhà là vết sạt đất ở ta luy âm kéo dài tới cả trăm mét.

Hôm ấy vợ chồng A Giàng đang làm công nhân ở Hải Dương không liên lạc được. Đứa em gái A Giàng học lớp 10 ở trung tâm huyện, cách nhà 80 cây số. Bộ đội, cán bộ xã và bà con làm đám nhanh gọn. Người đến viếng vội vàng rồi lại cầm cuốc, xẻng chạy xuống hiện trường đào bới tìm người mất tích.

Lực lượng cứu hộ mất 4 ngày mới tìm được hết các nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở đất ở Phìn Chải 2 – Ảnh: Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai cung cấp

Người dân cắt vài khúc cây chuối đốt vài nén nhang để chờ thêm người chết được đưa về.

Hai ngày sau, đám ma có thêm bốn cái áo quan đóng tạm. Người trong bản lại làm lễ vội vã rồi đem chôn. Mãi đến ngày 11-9 người ta mới đưa được thi thể cuối cùng trong tai họa kinh hoàng ấy ra khỏi đống bùn đất. Cái rạp đám ma bên chuồng trâu mới vơi tiếng khóc.

Hiện trường vụ sạt lở vùi lấp 4 căn nhà và 7 người ở thôn Phìn Chải 2, xã A Lù, Bát Xát, Lào Cai – Ảnh do Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai cung cấp

Ông nội, bố mẹ và hai đứa con đều bị vùi lấp

Cái chuồng trâu nhà hàng xóm là chỗ vững chãi nhất ở xóm này. Bốn cây dương xỉ to, giống cây thiên tuế trong rừng được chôn làm cột. Vài cái gióng gỗ ngang bóng nhoáng vì trâu cọ vào lâu ngày. Người dân trải tấm bạt và hai manh chiếu nhựa để ngủ, trên xà treo một thùng mì tôm, vài cái túi quần áo, chăn màn người dân mang đến xếp một góc.

Hai vợ chồng Sùng A Giàng và cô em gái ở tạm cái chuồng trâu. Anh em xa cũng về giúp A Giàng, năm, sáu người chen chúc trong cái chuồng trâu.

Hai con mắt A Giàng thâm quầng, khô khốc vì đã khóc quá nhiều. Anh kể hai vợ chồng đi làm công nhân ở Hải Dương, hai đứa con để ở nhà với ông bà. Mấy ngày mưa bão, công ty tạm nghỉ, vợ chồng A Giàng co rúm trong nhà trọ tránh bão. Mất điện, mất sóng, không gọi được về nhà. Đến khi A Giàng có điện, có sóng gọi về nhà lại không liên lạc được, anh như có đàn kiến cắn trong bụng.

Vợ chồng Sùng A Giàng sống trong sự đùm bọc của anh em, bản làng và lực lượng biên phòng tại địa phương

Thế rồi có người ở quê báo tin nhà anh bị sạt lở lấp hết rồi! Trong nhà A Giàng lúc ấy có năm người gồm ông nội, bố mẹ và hai đứa con của A Giàng đều bị vùi lấp cả.

Hai vợ chồng A Giàng quệt ngang nước mắt, bắt xe khách về Lào Cai. Đến xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát) họ đi bộ về. Quãng đường hơn 40 cây số về nhà đường sạt khắp nơi. Hai người cứ thế bước, gặp bùn thì lội bùn, gặp chỗ bùn ngập sâu quá thì cắt rừng mà tránh.

Hơn một ngày sau, họ về tới bản. Khói hương vẫn vương nghi ngút nhưng người thân chẳng còn ai. Xóm nhỏ có bốn mái ấm trước đây chỉ còn một đống đổ nát, cột kèo đen sì ám bồ hóng lẫn lộn trong bùn đất. Mấy bao thóc đã mọc mầm, nước, bùn bẩn chảy từ trên đồi xuống, nếu còn mưa, chẳng biết đất đá lại ụp xuống lúc nào.

“Nhà cửa mất hết rồi! Thóc mất rồi, lợn gà mất rồi! Cả lúa mới (lúa chín ngoài ruộng – PV) cũng bị mất hết…”, A Giàng quay mặt đi giấu hai hàng nước mắt.

Đường về A Lù phải vượt qua hàng chục điểm sạt lở nguy hiểm – Ảnh Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lào Cai cung cấp

Cán bộ xã A Lù bàn với gia đình để A Giàng ở nhà một người anh cách đó nửa tiếng đi xe máy, nhưng A Giàng muốn ở lại chỗ này. Chỉ vài ngày anh chịu bao nỗi đau. Đau mất bố mẹ, đau mất con, đau mất nhà… Anh bảo ở cái chuồng trâu này không thấy khổ. Chỉ cần có chỗ tránh mưa, đêm ngủ không bị sạt lở.

“Mình phải chờ một thời gian để xem thế nào để làm lại ruộng. Mình không đi làm công nhân nữa, đi làm xa lắm. Không lo được cho em gái. Mình muốn ở gần, lo cho em gái ăn học” – A Giàng gạt nước mắt.