Giá vàng cắm đầu lao dốc, có đáng lo?
Giá vàng sụt giảm phiên cuối tuần trước dữ liệu kinh tế mạnh mẽ từ Mỹ. Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn có góc nhìn khá tích cực.
Vàng đã phải đối mặt với một số áp lực bán ra vào thứ Sáu sau khi dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ cho thấy hoạt động kinh tế mạnh mẽ đã tạo ra 254.000 việc làm vào tháng trước. Dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp của tháng 9 vượt xa kỳ vọng với mức 147.000. Cùng lúc đó, tiền lương tăng nhiều hơn dự kiến, tăng 0,4% vào tháng trước.
Trước báo cáo, thị trường đã định giá 30% khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng tới. Tuy nhiên, những kỳ vọng đó hiện đã hoàn toàn tan biến. Đồng USD tăng giá khi kỳ vọng về chính sách tiền tệ thay đổi, tạo áp lực lên kim loại quý.
Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, giá vàng vẫn đang trụ vững. Các nhà phân tích lưu ý rằng, dữ liệu kinh tế đã không còn quan trọng do sự bất ổn về địa chính trị.
Ole Hansen – Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Saxo Bank – cho biết: “Vàng tăng giá chỉ vì một lý do duy nhất, rủi ro xảy ra sự kiện vào cuối tuần ở Trung Đông”.
Cuộc chiến của Israel ở Trung Đông tiếp tục leo thang khi quân đội nước này không kích Hamas ở Gaza và Hezbollah ở Lebanon. Có lo ngại rằng, Iran có thể tiến sâu hơn vào cuộc xung đột. Nhiều người hiện đặt ra câu hỏi Israel sẽ trả đũa Iran như thế nào?.
Với lịch kinh tế tương đối nhẹ vào tuần tới, Lukman Otunuga – giám đốc phân tích thị trường, cho biết vàng sẽ bị kẹt giữa dữ liệu kinh tế vững chắc và tình hình hỗn loạn ở Trung Đông.
“Nhìn vào bức tranh kỹ thuật, vàng đang được hỗ trợ ở ngưỡng 2.630 USD/ounce và mức kháng cự là 2.675 USD/ounce. Một sự đột phá có thể sắp xảy ra, các sự kiện trong tuần tới đóng vai trò là chất xúc tác. Những sự kiện này bao gồm căng thẳng địa chính trị đang diễn ra, dữ liệu quan trọng của Mỹ bao gồm CPI và các bài phát biểu của nhiều quan chức FED” – ông cho biết.
Mặc dù giá vàng vẫn ở mức dưới 2.700 USD/ounce, Colombo lưu ý rằng, vàng vẫn đang trong xu hướng tăng giá mạnh.
Ông nói thêm rằng, cùng với sự gia tăng bất ổn địa chính trị và chu kỳ nới lỏng mới của FED, thanh khoản toàn cầu đang tăng lên, khiến vàng trở thành một tài sản hấp dẫn. Ngoài ra vàng cũng trở nên thu hút hơn khi nợ toàn cầu tiếp tục tăng.
Mặc dù khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản của FED không còn, tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, lập trường chính sách tiền tệ chung của FED vẫn lạc quan đối với giá vàng.
“Hướng đi chung vẫn như vậy, thị trường tin rằng, FED sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất cho đến khi chúng giảm xuống khoảng 3%. Điều này sẽ hỗ trợ vàng” – David Morrison, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Trade Nation cho biết.
Dữ liệu kinh tế tuần tới không có nhiều, sự kiện được quan tâm nhiều nhất sẽ là chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ trong tháng 9. Theo các nhà kinh tế, thị trường sẽ háo hức xem liệu áp lực lạm phát có tiếp tục giảm hay không, điều này sẽ hỗ trợ cho chu kỳ nới lỏng của FED.
Dữ liệu kinh tế cần chú ý vào tuần tới:
Thứ Tư: Biên bản cuộc họp FOMC tháng 9.
Thứ Năm: Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ, Yêu cầu trợ cấp thất nghiệp hàng tuần.
Thứ Sáu: Chỉ số giá sản xuất của Mỹ, cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng sơ bộ của Đại học Michigan.