Kinhtedothi – Giá vàng hôm nay (6/9), thị trường quốc tế sáng nay tiếp đà tăng trước đó đã vượt lên trên ngưỡng 2.500 USD/ounce. Thị trường trong nước giá vàng miếng SJC đã bất ngờ giảm mạnh mất nửa triệu đồng/lượng, vàng nhẫn ngược chiều tăng trở lại.
Chốt phiên giao dịch tại thị trường Mỹ vào rạng sáng nay (giờ Hà Nội), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng trên 2.516 USD/ounce, tăng hơn 20 USD/ounce so với chốt phiên giao dịch trước đó tại thị trường này.
Đứng phiên hôm qua 5/9, tại thị trường trong nước giá vàng miếng SJC đã giảm mạnh mất nửa triệu sau nhiều ngày đi ngang trước đó. Vàng nhẫn có phiên đảo chiều tăng giá so với phiên trước đó.
Cụ thể, giá vàng miếng SJC trên thị trường đứng quanh mức 78,5 – 80,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 500.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh mua – bán ở quanh mức 78,5 – 80,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 500.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Bảo Tín Minh Châu đứng tại mức 78,5 – 80,5 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 500.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với phiên trước đó. Chênh lệch mua – bán ở mức 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn vàng rồng Thăng long tại Công ty Bảo Tín Minh Châu, đứng ở mức 77,38 – 78,58 triệu đồng/lượng (mua – bán), đi ngang chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 1,2 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 của Tập đoàn Doji tại thị trường Hà Nội đứng ở mức 77,45 – 78,55 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán ở mức 1,1 triệu đồng/lượng.
Sáng nay, giá vàng thế giới đảo chiều tăng mạnh sau khi nền kinh tế số 1 thế giới là Mỹ đã công bố báo cáo việc làm lĩnh vực tư nhân tháng 8 thấp nhất trong vòng 3 năm rưỡi qua.
Cụ thể, lĩnh vực tư nhân tại Mỹ tháng 8 chỉ tuyển dụng được 99.000 lao động trong tháng 8, thấp hơn mức 111.000 lao động của tháng trước và thấp hơn nhiều mức dự báo trước đó là 140.000 việc. Đây là tháng lĩnh vực tư nhân tại Mỹ tuyển dụng ưược ít lao động nhất kể từ tháng 1/2021 – thời điểm đang bùng dịch Covid-19.
Cùng với đó, Công ty dịch vụ việc làm Challenger, Gray & Christmas tại Mỹ cũng cho biết, tháng 8 tình trạng sa thải lao động gia tăng mạnh nhất kể từ năm 2009 trở lại đây. Con số này được công ty đưa ra đó là cắt giảm 75.890 lao động, cao hơn gấp hơn 3 lần con số của tháng 7 là 25.885 lao động.
Chỉ có một chỉ số liên quan đến người lao động tích cực, đó là năng suất phi nông nghiệp đã tăng từ 2,3% của quý trước và dự báo, lên 2,5% trong quý 2/2024.
Sau dữ liệu việc làm, đồng USD đã có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp, thúc đẩy giá vàng tăng. Cụ thể, chỉ số Dollar-Index – đo lường sức mạnh đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt giảm mạnh 0,3% so với phiên trước, về mức 101.060 điểm vào lúc 5 giờ 59 phút sáng nay (giờ Hà Nội).
Chuyên gia nhận định, thị trường việc làm sa sút mạnh đã khiến giới đầu tư lo ngại nền kinh tế Mỹ đang có những dấu hiệu kém đi. Với thông tin việc làm này, có thể Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ sớm phải cắt giảm lãi suất điều hàng đồng USD để nhằm giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận được vốn vay, hỗ trợ việc làm cho người lao động.
Đồng USD dự báo có thể còn giảm và rủi ro gia tăng đã khiến nhà đầu tư đẩy mạnh mua vàng, đây là tài sản đảm bảo vốn trong mọi điều kiện tác động lên thị trường tài chính, tiền tệ.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng giao dịch trong thời điểm này, bởi mức tăng trưởng tiền lương hàng năm đối với những người vẫn giữ được công việc của mình trong tháng 8 là 4,8%, gần bằng mức của tháng 7. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vẫn đảm bảo doanh thu và chi phí cho người lao động.
Đêm qua, nền kinh tế Mỹ cũng có những dữ liệu ươợc công bố còn mang tính tích cực là, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực dịch vụ tháng 8 tăng từ 55,2 điểm tháng 7 và dự báo trước đó, lên 55,7 điểm. Chỉ số PMI lĩnh vực tổng hợp cũng tăng từ 54,1 điểm tháng 7 và dự báo lên 54,6 điểm trong tháng 8.
Theo phân tích kỹ thuật, chỉ số PMI ở mức 50 là mức mở rộng. Với những dữ liệu kể trên, PMI tại Mỹ đang ở trên mức mở rộng và vẫn đang tăng. Điều này cho thấy các đơn đặt hàng trong các lĩnh vực tại nền kinh tế Mỹ đang gia tăng. Thông tin này sẽ còn hỗ trợ tích cực cho sản xuất phát triển.
Chuyên gia cho rằng, hôm nay 6/9 Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố việc làm linh vực phi nông nghiệp tháng 8. Dự báo số việc làm mới tháng 8 sẽ tăng 161.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ là 4,2%. Nếu dữ liệu này đảm bảo như dự báo và tốt hơn thì vàng sẽ quay đầu giảm và ngược lại.
Chuyên gia cũng lưu ý nhà đầu tư, nếu các dữ liệu kinh tế cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng tích cực, nhưng việc làm kém đi, thì có thể phải xem xét đến các doanh nghiệp cắt giảm lao động có thể đang ứng dụng công nghệ, thay thế cho con người.
Cũng có thể, việc tuyển mới lao động không gia tăng nhiều trong lĩnh vực tư nhân, cho thấy các doanh nghiệp vẫn ổn định làm việc cho lao động cũng như sản xuất đảm bảo và không có nhu cầu tuyển dụng thêm. Do đó, nhà đầu tư cần xem xét thật kỹ những dữ liệu được đưa ra, từ đó mới quyết định đầu tư.