Thông tin này được đăng tải trên Báo Tin tức của Thông tấn xã Việt Nam nên hoàn toàn xác thực rồi nhé bà con. Bài viết được đăng tải hôm 8/2/2025 với tiêu đề: “Hàng triệu người cao tuổi được nhận trợ cấp hằng tháng từ 1/7/2025”. Nội dung cụ thể như sau:
Luật Bảo hiểm xã hội 2024, có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đánh dấu bước cải cách quan khi bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, góp phần xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, mở rộng quyền lợi cho người lao động và người cao tuổi.
Ảnh minh họa
Khoảng trống 8 triệu người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp
Ông Phạm Trường Giang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho rằng, Luật BHXH sửa đổi năm 2024 đã thể chế hóa 25 nội dung quan trọng trong Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Những thay đổi này giúp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với 5 nhóm mới, bổ sung chế độ thai sản vào bảo hiểm xã hội tự nguyện và tạo điều kiện để nhiều người lao động có cơ hội nghỉ hưu đúng tuổi, ngay cả khi tham gia bảo hiểm xã hội muộn.
Thống kê cho thấy, hiện nay, khoảng 8 triệu người cao tuổi chưa có lương hưu, trợ cấp hằng tháng, khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đặt mục tiêu bao phủ toàn bộ nhóm đối tượng này, hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân.
Ông Phạm Trường Giang cũng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Nếu như năm 2025, trung bình 6 người trong độ tuổi lao động (15-59 tuổi) hỗ trợ 1 người ngoài độ tuổi lao động, thì đến năm 2055, con số này sẽ giảm xuống còn 2 người. Điều này đặt ra thách thức lớn về cân đối quỹ bảo hiểm xã hội.
“Đến 2055, để duy trì mức hưởng như hiện nay chỉ có 2 cách: Con cháu phải đóng bảo hiểm xã hội với mức gấp 3 lần hiện nay; cải cách để nhóm này có mức hưởng phù hợp, giảm gánh nặng thế hệ tương lai” ông Phạm Trường Giang cho biêt.
Thêm tầng trợ cấp
Một trong những điểm nổi bật của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội nhằm đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người cao tuổi gồm: Giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi, một số nhóm đối tượng đặc biệt có thể hưởng từ 70 tuổi; Tăng mức trợ cấp lên 500.000 đồng/người/tháng từ 1/7/2025; Cung cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho người cao tuổi từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.
Dự kiến, khoảng 1,2 triệu người từ 75 tuổi trở lên sẽ được hưởng chính sách này ngay khi luật có hiệu lực. Bên cạnh đó, nhóm người từ 60 đến dưới 75 tuổi, không có lương hưu nhưng từng tham gia bảo hiểm xã hội, cũng sẽ được nhận trợ cấp tùy theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội.
Để được hưởng chế độ này, người lao động cần đáp ứng điều kiện không nhận bảo hiểm xã hội một lần, không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có yêu cầu hưởng trợ cấp hằng tháng.
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 không chỉ mở rộng diện bao phủ mà còn đảm bảo an sinh xã hội bền vững, giúp hàng triệu người cao tuổi có cuộc sống ổn định hơn trong tương lai.
Theo thông tin đăng trên báo Người Lao Động ngày 7/2/2025 có bài viết: “Có sự thay đổi lương hưu từ 1-7-2025?”. Nội dung cụ thể như sau:
Căn cứ theo Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 từ ngày 1-7-2025, có 2 nhóm đối tượng đủ kiều kiện nghỉ hưu sớm không bị trừ tỉ lệ lương hưu hàng tháng.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó có điểm mới về lương hưu. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ 1-7-2025.
Theo dự thảo thông tư, đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu đối với người lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 64, Điều 65 của Luật BHXH năm 2024.
Việc xác định thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB-XH ban hành. Hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1-1-2021 hoặc làm công việc khai thác than trong hầm lò làm căn cứ xét điều kiện hưởng lương hưu.
– Với người lao động đang làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên mà phải nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động do bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp (được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương và đóng BHXH bắt buộc) thì thời gian này được tính là thời gian làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
– Với người lao động đang làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên có thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính là thời gian đóng BHXH bắt buộc thì thời gian này được tính là thời gian làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
– Với người lao động đang làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên mà được cử đi làm việc, đi học, hợp tác lao động mà không làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên thì thời gian này không được tính là thời gian làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
– Với người lao động đang làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời gian này không được tính là thời gian làm nghề, công việc hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.
Nguồn: https://www.webtretho.com/f/cong-dong-hieu-luat/hang-trieu-nguoi-cao-tuoi-duoc-nhan-tro-cap-hang-thang-tu-72025?fbclid=IwZXh0bgNhZW0CMTAAAR3MtWnQfulVZWhvz-Y5MHuygAwQRZWMos3tYyFz7QLcHc_VQlJmVviVMEQ_aem_QlOYOW5WthrFdfQ3ZlA-Mw