Mặc dù hiện tượng La Nina – được nhận định là sẽ bắt đầu vào cuối năm nay – có thể sẽ không mạnh như những dự báo ban đầu, nhưng nó vẫn sẽ góp phần tạo ra những cơn bão mạnh hơn. Các nhà nghiên cứu trong khu vực dự báo, nước ta sẽ chứng kiến nhiều siêu bão hơn.
Tổ chức Khí tượng Thế giới dự báo, có 60% khả năng La Nina sẽ xuất hiện vào cuối năm nay. Hiện tượng này sẽ đẩy nước biển ấm về phía châu Á.
Bề mặt nước biển ấm góp phần giúp bão phát triển. Nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học ở Mỹ và Singapore đều cho thấy rằng trời ấm hơn, bề mặt biển ấm hơn sẽ làm tăng khả năng bão hình thành và mạnh lên ở gần đường bờ biển của các nước Đông Nam Á (ĐNA).
Ông Benjamin Horton, giám đốc Đài Quan sát Trái Đất Singapore, người tham gia nghiên cứu khí hậu ĐNA, giải thích: “Nước biển càng ấm, càng có nhiều năng lượng cho bão trở nên mạnh hơn, và mạnh hơn nữa”. Theo nghiên cứu này, những nơi như Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) có thể sẽ chứng kiến nhiều siêu bão hơn.
Siêu bão Yagi là một minh chứng. Nó mạnh lên ngay ở Biển Đông và là cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ miền Bắc nước ta trong hàng chục năm qua. Không những vậy, bão Yagi còn giữ sức mạnh khá lâu khi đi sâu vào đất liền. Sau khi đi qua nước ta, cơn bão này tiếp tục gây mưa to, ngập lụt, sạt lở ở Lào, Thái Lan, Myanmar, thiệt hại rất lớn.
Các nhà khí tượng học cho rằng, điều quan trọng nhất mà siêu bão Yagi chứng minh được chính là giờ đây, các hiện tượng thời tiết cực đoan đều rất khó lường và bất kỳ quốc gia nào cũng cần sẵn sàng phòng chống thiên tai ở bất kỳ thời điểm nào. Trong lịch sử, bão vào nước ta thường đổ bộ ở những khu vực ít tập trung phát triển về công nghiệp, nhưng siêu bão Yagi năm nay đã đi thẳng vào miền Bắc là nơi tập trung phát triển công nghiệp và xuất khẩu.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ tháng 11/2024 đến tháng 1/2025, bão/ áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động ở Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có thể ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm, cần đề phòng khả năng bão/ ATNĐ hình thành ngay trên Biển Đông.
Dự báo khoảng 23-25/10, trên Biển Đông có thể xuất hiện áp thấp nhiệt đới/bão. Từ hôm nay (19/10) đến những ngày tới, thời tiết biển rất xấu.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, khoảng ngày 21-22/10, trên Biển Đông có khả năng hình thành một dải hội tụ nhiệt đới. Trên dải hội tụ nhiệt đới này có thể xuất hiện các xoáy thuận nhiệt đới. Dự báo khoảng ngày 23-25/10, bão và áp thấp nhiệt đới có thể hoạt động trên khu vực Biển Đông.
Trước khi đón bão/áp thấp nhiệt đới, thời tiết các vùng biển khá xấu. Ngày và đêm 19/10, khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Khánh Hòa đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan có mưa rào và dông rải rác. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc xoáy và gió giật mạnh cấp 7-8.
Từ ngày 19-25/10, độ cao sóng có xu hướng tăng ở hầu khắp các vùng biển. Khu vực Bắc và Giữa Biển Đông (bao gồm quần đảo Hoàng Sa) độ cao sóng dao động 3-5m. Khu vực Nam Biển Đông (bao gồm quần đảo Trường Sa), vùng biển Trung và Nam Trung Bộ độ cao sóng phổ biến trong khoảng 2-4m, các khu vực khác độ cao sóng dao động nhỏ hơn 2,0m.
Ngoài ra, từ đêm 19/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh yếu lệch đông nên vùng biển phía đông bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3m, biển động. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động ở các khu vực trên đều có nguy cơ chịu tác động của lốc xoáy và gió giật mạnh.
Cũng từ nay đến 22/10, mực nước triều ven biển phía Đông Nam Bộ duy trì ở mức cao. Triều cường xuất hiện trong khoảng thời gian sáng sớm và buổi chiều tối, làm tăng nguy cơ ngập úng tại các khu vực trũng, thấp ven biển, ven sông và vùng ngoài đê bao.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ tháng 11/2024-1/2025, hoạt động của bão/áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến đất liền nước ta có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình nhiều năm.
Thời gian này, bão/áp thấp nhiệt đới đổ bộ vào đất liền có khả năng tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam, cần đề phòng khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông với diễn biến nhanh, khó lường và khả năng cao tác động đến khu vực đất liền.