Đêm qua (8/8), trận động đất có độ lớn 4.2 xảy ra ở Kon Tum đã gây rung lắc cho nhiều địa phương lân cận. Trên mạng xã hội, người dân Đà Nẵng cũng chia sẻ tình hình rung lắc tại nơi ở.
Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu đã phát đi nhiều thông báo động đất vào đêm qua (8/8).
Theo đó, vào hồi 22 giờ 30 phút 05 giây ngày 8/8 một trận động đất có độ lớn 4.2 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.849 độ vĩ Bắc, 108.266 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Đây là trận động đất thứ 4 xảy ra trong ngày tại Kon Tum.
Vị trí xảy ra trận động đất mạnh 4.2 độ ở Kon Tum vào đêm qua.
Sau đó, trận động đất thứ 5 xuất hiện lúc 22 giờ 52 phút 12 giây có độ lớn 2.6 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.865 độ vĩ Bắc, 108.236 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Như vậy ngày 8/8, Kon Tum tiếp tục hứng chịu 5 trận động đất, trong đó đáng chú ý là trận động đất mạnh 4.2 độ richter đã gây rung lắc mạnh cho người dân ở huyện Kon Plông và khu vực các tỉnh lân cận.
Chị Nguyễn Phương Thúy (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho hay khi đó đang chơi cùng con ở sàn nhà tầng 4 bỗng cảm nhận rung lắc rất rõ giống như có máy khoan của công trình xây dựng ngay sát vách. Chỉ sau vài giây thì hiện tượng này kết thúc. “Dù chỉ diễn ra trong vài giây nhưng tôi thật sự lo vì không biết có tiếp tục chịu ảnh hưởng và lần sau có bị rung lắc mạnh hơn không”, chị Thúy hoang mang.
Anh Phạm Bình Nam ở TP Đà Nẵng cũng chia sẻ, đang nằm trên giường cũng thấy giường rung, cửa tủ kính giật lên kêu lạch cạch nhưng may mắn đồ đạc không rơi đổ hay vỡ hỏng gì. Khi rung lắc xảy ra thì nhiều người cảm nhận được. Trên mạng xã hội, người dân Đà Nẵng cũng chia sẻ tình hình rung lắc tại nơi ở.
Động đất ở Kon Plông được các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) nhận định là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên. Động đất kích thích tại Kon Plông được nhận định có thể kéo dài trong nhiều năm tới.
Động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ yên tĩnh hơn, liên quan chặt chẽ đến quá trình vận hành tích nước của hồ chứa thủy điện.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, mới đây tại khu vực Kon Plông đã hoàn thiện hệ thống quan trắc động đất. Một đề tài nghiên cứu về động đất kích thích trong khu vực đã được phê duyệt và triển khai. Đây sẽ cơ sở để làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến động đất kích thích ở khu vực này.
Tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Đắk Đrink. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài hơn 10 năm với hàng trăm trận, từng gây xáo trộn đời sống người dân hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong thời gian dài. Động đất kích thích có thể kéo dài vài năm nhưng cũng có thể kéo dài vài chục năm như từng xảy ra tại Ấn Độ.