Mẹ chồng tặng vàng nhưng không cho bán, nàng dâu trút nỗi lòng sau gần 10 năm

Được mẹ chồng tặng vàng trong ngày cưới nhưng khi chị Thuận muốn bán, chồng chị lại nói ‘mẹ dặn sử dụng phải xin phép’. Tại chương trình Mẹ chồng nàng dâu mới đây chị mới hiểu nỗi lòng bà.
Xuất hiện tại chương trình Mẹ chồng nàng dâu tập 395, bà Nguyễn Thị Hà (65 tuổi, ở Hậu Giang) dù miệng nói không buồn nhưng nước mắt lại rơi. Bà không trách cứ con dâu nhưng liên tục chia sẻ, con dâu chẳng bao giờ gọi về nếu không có việc.

Xưa nay chỉ có một chiều gọi đi là bà gọi lên cho con. Nhưng sau khi nghe những chia sẻ từ phía con dâu Nguyễn Thị Ngọc Thuận, bà Hà mừng ra mặt. Những khúc mắc, buồn tủi trong lòng bà dường như được trút bỏ.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Thuận (36 tuổi, quê Bình Dương) cho biết chị làm dâu mẹ Hà đã gần 10 năm. Thời điểm mới cưới, chị làm công việc kế toán. Sau này, chị học nghề làm móng tay, móng chân và gắn bó với nghề đến bây giờ. Ngoài ra, chị còn có một kênh riêng chuyên bán tạp hóa online.

Bà Hà chia sẻ, con dâu rất ít khi về quê và gọi điện hỏi thăm mẹ chồng

Chị Thuận tâm sự, thời gian đầu, chị cũng trải qua những cảm xúc khá căng thẳng và tủi thân nên đã tự tạo khoảng cách với gia đình chồng. Ngay lần đầu về ra mắt, mẹ chồng tương lai đã không ngần ngại nói với chị rằng “sau này con phải như thế này, thế kia, muốn làm gì thì phải báo trước…”.

“Trước đó, khi anh Sơn về báo với mẹ là muốn cưới, mẹ không đồng ý vì ngại xa. Phần nữa có lẽ mẹ cũng ngại con dâu thành phố, không biết làm gì. Lần đầu gặp mẹ, em hơi sợ. ‘Giao diện’ của mẹ trông cũng nghiêm túc nữa” – chị Thuận tâm sự.

Nhưng sau khi biết chị Thuận đã có bầu, bà Hà đồng ý cho cưới liền vì sợ bầu để lâu không cưới, tội nghiệp con dâu.

Thế nhưng, trong ngày cưới, lại một khúc mắc xảy ra do khác biệt văn hóa khiến chị Thuận tủi thân. “Đám cưới ở quê thì cứ khách đến đủ bàn là vào mâm. Nhưng ở chỗ em, gia đình thỏa thuận với nhà hàng đãi tiệc theo giờ.

Nhà trai hôm đó đến sớm nên thắc mắc là đủ mâm rồi sao không đãi tiệc. Em giải thích nhưng cũng không được thấu hiểu. Lúc đó, em lại suy nghĩ là ‘vậy thì cái đám cưới này diễn ra là vì cái gì? Vì em bé hay vì mình?’. Em cảm thấy rất tủi thân, nên sau đó càng không kết nối với ba mẹ chồng nhiều”.

Sau ngày cưới, 2 vợ chồng rất khó khăn. Chị tính sẽ bán số vàng nhà nội cho để trang trải thời gian đầu. Nhưng ông xã lại nói rằng, ba mẹ dặn “muốn sử dụng số vàng này phải được sự cho phép”. Lúc đó, chị nghĩ “tại sao đã cho rồi mà khi dùng lại phải hỏi ý kiến”. Chị lại thêm một lần bị tổn thương, nghĩ rằng có thể ba mẹ chồng không tin tưởng mình.

Về sau, chị mới hiểu rằng ba mẹ lo lắng vì sợ hai đứa còn trẻ, dùng tiền hoang phí và cũng vì ba mẹ không biết thời điểm đó hai đứa đang khó khăn.

Một số hiểu lầm đã khiến chị Thuận giữ khoảng cách với gia đình chồng

Những khúc mắc trong lòng chị Thuận chỉ được tháo bỏ khi chị ra ngoài bươn chải, học và làm nghề, sinh con, mở tiệm nail vài ba lần… “Những lúc khó khăn, hai vợ chồng đều gọi về nhờ mẹ giúp, và mẹ luôn sẵn sàng giúp đỡ. Khi ấy, mình mới hiểu ra rằng, không phải gia đình chồng khó khăn với mình, mà chỉ vì muốn mình có kế hoạch sử dụng tiền hợp lý”.

Thế nhưng, dù đã hiểu tấm lòng của mẹ chồng, chị Thuận vẫn không biết cách thể hiện tình cảm với mẹ. “Có lẽ do từ nhỏ, mình không được bao bọc, ôm ấp nên cách thể hiện tình cảm của mình cứng nhắc. Mình thương mẹ, nhưng lại không thể hiện tình cảm với mẹ bằng lời nói”.

Về việc ít khi gọi về hỏi thăm mẹ và cũng rất ít khi về quê, nàng dâu giải thích do công việc lúc nào cũng bận rộn, nhất là gần những ngày lễ Tết. Chị thường xuyên phải làm việc tới 11 – 12h đêm. Chị hứa, thời gian tới, khi đã có người phụ, chị sẽ tranh thủ gọi về cho mẹ nhiều hơn.

Nghe nàng dâu tâm sự, bà Hà như giải tỏa được những khúc mắc bấy lâu nay. Bà nói rằng, đây là lần đầu tiên được nghe con dâu tâm sự và hiểu được tấm lòng của con.

Nhân dịp này, chị Thuận cũng tặng cho mẹ chồng món quà là đôi bông tai mà chị nói là rất có ý nghĩa với chị. “Em nhớ thời gian đầu em về làm dâu, mỗi lần về quê em đều ăn mặc rất đơn giản. Nhưng mọi người ở quê thì hay để ý.

Đến khi em lên Sài Gòn rồi, mẹ mới gọi cho em nói để ‘mẹ tặng cho con 1 đôi bông vì mẹ có 2 đôi. Con gái mà sao không có đeo gì hết vậy, đi làm khó khăn quá hay sao mà không có tiền mua đôi bông…’.

Em vẫn còn nhớ mãi tới giờ. Ngày đó, em từ chối không nhận của mẹ. Đến hôm nay, em muốn tặng mẹ đôi bông này, để cảm ơn tất cả những gì mẹ đã dành cho vợ chồng em từ trước đến nay”.