Một người đàn ông (41 tuổi) ở huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa ăn tiết canh lợn, sau đó bị nhiễm liên cầu lợn dẫn đến tử vong.
Tiết canh lợn (Ảnh minh họa).
Ngày 3/8, ông Nguyễn Văn Chiến – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) cho biết, anh L.Đ.T. (41 tuổi), ở xã Quảng Hải (Quảng Xương, Thanh Hóa) đã tử vong do nhiễm liên cầu lợn.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương, bệnh nhân L.Đ.T. khởi phát triệu chứng từ 23/7/2024, được người thân đưa vào đi bệnh viện chữa trị. Mặc dù được các y, bác sĩ của bệnh viện nỗ lực cứu chữa, nhưng đến ngày 2/8, bệnh nhân đã không qua khỏi.
Nguyên nhân tử vong được xác định là anh T. nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn gây nên.
Báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương cho thấy, theo lời kể của người thân anh L.Đ.T., sáng 19/7/2024, bố bệnh nhân có mua lòng lợn và tiết lợn sống ở chợ xã Quảng Hải về chế biến thức ăn. Anh L.Đ.T. tự tay đánh tiết canh và một mình ăn 2 bát.
Đến 14h, ngày 23/7/2024, anh T. ra Trạm y tế xã Quảng Hải khám, với triệu chứng sốt 38 độ 5, đau đầu, ù tai, lòng bàn chân trái sưng bầm tím. Trạm y tế Quảng Hải nghi anh T. bị nhiễm trùng máu, nên lập tức chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán là nhiễm khuẩn liên cầu lợn, nên được chuyển thẳng ra Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương lúc 16h cùng ngày. Đến khoảng 2h sáng ngày 2/8/2024, bệnh nhân L.Đ.T. đã tử vong tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Sau khi nhận được thông tin từ Trạm y tế xã Quảng Hải, Trung tâm Y tế huyện Quảng Xương đã tổ chức điều tra, giám sát ca bệnh, chỉ đạo Trạm y tế xã Quảng Hải phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh;
Đồng thời, tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống bệnh do liên cầu lợn tại cộng đồng, tập trung vào nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao như người chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ lợn, buôn bán thịt lợn tươi sống.
Khuyến cáo người dân không giết mổ hay tiêu thụ lợn ốm, chết, thực hiện ăn chín uống chín, không ăn tiết canh và các thực phẩm tái, sống từ lợn. Sử dụng bảo hộ lao động khi tham gia chăn nuôi, giết mổ lợn, chế biến thực phẩm từ lợn.
Lập danh sách, tư vấn và theo dõi sát những người tham gia giết mổ, ăn tiết canh, thịt lợn cùng bệnh nhân để tuyên truyền, giám sát theo dõi sức khỏe nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để xử lý và điều trị kịp thời.
Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, như: sốt cao đột ngột kèm theo có yếu tố dịch tễ liên quan cần đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.