Nhận biết mức hưởng BHYT thông qua ký hiệu trên thẻ BHYT
Người dân có thể xem trực tiếp tại Ký tự thứ 3 (ô thứ 2) được ký hiệu bằng số (theo số thứ tự từ 1 đến 5) trong dòng Mã số/Số chính là mức hưởng BHYT để theo dõi mức tiền được hưởng của mình.
Báo Thời báo VHNT ngày 25/11 đưa thông tin với tiêu đề: “Nhận biết mức hưởng BHYT thông qua ký hiệu trên thẻ BHYT” cùng nội dung như sau:
Nhận biết mức hưởng BHYT thông qua ký hiệu trên thẻ BHYT
Tại Quyết định 1351/QĐ-BHXH năm 2015 (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 1697/QĐ-BHXH năm 2023 và Quyết định 1018/QĐ-BHXH năm 2024), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có hướng dẫn rất cụ thể về cấu trúc thẻ BHYT. Theo đó, mã số thẻ bảo hiểm y tế gồm 15 ký tự, được chia thành 04 ô.
Trong đó, người dân có thể xem trực tiếp tại Ký tự thứ 3 (ô thứ 2) được ký hiệu bằng số (theo số thứ tự từ 1 đến 5) trong dòng Mã số/Số chính là mức hưởng BHYT để theo dõi mức tiền được hưởng của mình. Cụ thể:
– Ký hiệu bằng số 1: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh thuộc phạm vi chi trả BHYT và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: CC, TE.
– Ký hiệu bằng số 2: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: CK, CB, KC, HN, DT, DK, XD, BT, TS, AK, CT.
– Ký hiệu bằng số 3: Được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: HT, TC, CN, PV, TG, DS, HK.
– Ký hiệu bằng số 4: Được quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế); 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: DN, HX, CH, NN, TK, HC, XK, TB, NO, XB, TN, CS, XN, MS, HD, TQ, TA, TY, HG, LS, HS, SV, GB, GD, ND, TH, TV, TD, TU, BA.
Lưu ý: Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì mức hưởng BHYT ghi trên thẻ BHYT là mức hưởng của đối tượng có quyền lợi cao nhất.
02 ký hiệu chữ ở đầu mã số thẻ BHYT có ý nghĩa gì?Hai ký tự đầu (ô thứ nhất): được ký hiệu bằng chữ (theo bảng chữ cái latinh), là mã đối tượng tham gia BHYT. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì mã đối tượng ghi trên thẻ BHYT là mã đối tượng đóng BHYT được xác định đầu tiên theo quy định tại Khoản 7, Điều 1 Luật BHYT sửa đổi năm 2024.
(1) Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng
– DN: Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020.
– HX: Người lao động làm việc trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2023.
– CH: Người lao động làm việc trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp và tổ chức xã hội khác.
– NN: Người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên tham gia có quy định khác.
– TK: Người lao động làm việc trong các tổ chức khác có sử dụng lao động được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
– HC: Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
– XK: Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;
(2) Nhóm do tổ chức bảo hiểm xã hội đóng
– HT: Người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng;
– TB: Người đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
– NO: Người lao động nghỉ việc đang hưởng chế độ ốm đau theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
– XB: Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng;
– TN: Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp;
– CS: Công nhân cao su nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định 206/CP ngày 30/5/1979 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) về chính sách đối với công nhân mới giải phóng làm nghề nặng nhọc, có hại sức khỏe nay già yếu phải thôi việc;
(3) Nhóm do ngân sách Nhà nước đóng
– QN: Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ; học viên cơ yếu hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách Nhà nước theo chế độ, chính sách như đối với học viên Quân đội;
– CA: Sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật, hạ sỹ quan, chiến sỹ nghĩa vụ đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí từ ngân sách Nhà nước;
– CY: Người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đang công tác tại các tổ chức cơ yếu thuộc các Bộ, ngành, địa phương;
– XN: Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước;
– MS: Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách Nhà nước;
– CC: Người có công với cách mạng, bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng 8/1945; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
– CK: Người có công với cách mạng theo quy định pháp luật về người có công với cách mạng, trừ các đối tượng được cấp mã CC;
– CB: Cựu chiến binh theo quy định pháp luật về cựu chiến binh;
– KC: Người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (quy định tại khoản 5, Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP), trừ các đối tượng được cấp mã CC, CK và CB;
– HD: Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm;
– TE: Trẻ em dưới 6 tuổi, kể cả trẻ đủ 72 tháng tuổi mà trong năm đó chưa đến kỳ nhập học;
– BT: Người thuộc diện hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật và trợ giúp xã hội.
– HN: Người thuộc hộ gia đình nghèo theo chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.
– DT: Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn;
– DK: Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;
– XD: Người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;
– TS: Thân nhân của liệt sĩ bao gồm: cha đẻ; mẹ đẻ; vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ; người có công nuôi liệt sĩ.
– TC: Thân nhân của người có công, gồm:
+ Vợ hoặc chồng, con từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến;
+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên;
+ Con đẻ từ đủ 6 tuổi trở lên bị dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hằng tháng đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
– TQ: Thân nhân của đối tượng được cấp mã QN;
– TA: Thân nhân của đối tượng được cấp mã CA;
– TY: Thân nhân của đối tượng được cấp mã CY;
– HG: Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;
– LS: Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam;
– PV: Người phục vụ người có công đang sống ở gia đình, bao gồm: người phục vụ Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Người phục vụ thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên.
– CT: Người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng;
– TG: Vợ hoặc chồng liệt sĩ lấy chồng hoặc vợ khác đang hưởng trợ cấp hằng tháng theo quy định tại tiết a khoản 10 Điều 16 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2020;
– AK: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú (mà không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008);
(4) Nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng
– CN: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ cận nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.
– HS: Học sinh đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
– SV: Sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở dạy nghề thuộc hệ thống giáo dục quốc dân;
– GB: Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ có mức sống trung bình áp dụng cho từng giai đoạn;
– HK: Người thuộc hộ nghèo đa chiều không thuộc trường hợp được cấp mã đối tượng HN (người thuộc hộ nghèo không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định 146/2018/NĐ-CP);
– DS: Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực 2, khu vực 3, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực 2, khu vực 3, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
(5) Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình
– GD: Người tham gia BHYT theo hộ gia đình gồm những người thuộc hộ gia đình, trừ đối tượng quy định tại các nhóm nêu trên; Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội (trừ đối tượng tại các Điều 1, 2, 3, 4 và 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP mà không được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT) quy định tại tiết b khoản 3 Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP;
– TH: Chức sắc, chức việc, nhà tu hành quy định tại tiết a khoản 3 Điều 5 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
(6) Nhóm do người sử dụng lao động đóng
– TV: Thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội (trừ đối tượng tại các Điều 1, 2, 3 và 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP) quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
– TD: Thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân (trừ đối tượng tại các Điều 1, 2, 3 và 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP) quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
– TU: Thân nhân của người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu (trừ đối tượng tại các Điều 1, 2, 3 và 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP) quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
(Khoản 1 Điều 2 Quyết định 1351/QĐ-BHXH năm 2015 (sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 1697/QĐ-BHXH năm 2023 và Quyết định 1018/QĐ-BHXH năm 2024))
Mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng BHYT từ ngày 1/7/2024
Căn cứ Điều 14 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi 2014) quy định tiền lương, tiền công, tiền trợ cấp làm căn cứ đóng bảo hiểm y tế như sau:
– Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
– Đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương, tiền công tháng được ghi trong hợp đồng lao động.
– Đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng.
– Đối với các đối tượng khác thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là mức lương cơ sở.
– Mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng bảo hiểm y tế là 20 lần mức lương cơ sở.
Hiện nay, mức lương cơ sở được quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP là 2.340.000 đồng áp dụng từ ngày 01/7/2024.
Do đó, mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng bảo hiểm y tế từ 01/7/2024 là 46.800.000 đồng.
Trước đó, báo Dân trí ngày 24/11 cũng có bài đăng với thông tin: “Thêm quyền lợi cho người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế”. Nội dung được báo đưa như sau:
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 39/2024/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2016/TT-BYT về ban hành danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT.
Theo đó, tại Khoản 2 Điều 1, Thông tư 39 sửa đổi, bổ sung danh mục các dịch vụ kỹ thuật y tế được thanh toán BHYT theo hướng đơn giản hóa điều kiện nhằm mở rộng phạm vi thực hiện cho các cơ sở y tế tuyến dưới, giúp người bệnh có nhiều lựa chọn hơn.
Điều kiện thanh toán chụp cắt lớp vi tính (CT) được mở rộng cho các trường hợp như chụp ngực hoặc bụng cho trẻ dưới 6 tuổi, chụp vùng sọ mặt cho bệnh lý dị tật sọ mặt bẩm sinh.
Nhiều dịch vụ kỹ thuật cao hỗ trợ chẩn đoán và điều trị ung thư cũng được thanh toán BHYT như chụp PET/CT để chẩn đoán ung thư, ung thư di căn không rõ u nguyên phát, xác định giai đoạn, xác định tái phát hay di căn, đánh giá đáp ứng điều trị…
Bạn đọc có thể theo dõi chi tiết Danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT được ban hành kèm Thông tư 39 TẠI ĐÂY.
Ngoài ra, Thông tư 39 bổ sung các điều 4a, 4b, 4c, 4d vào sau Điều 4 Thông tư 35 (quy định về hướng dẫn thanh toán BHYT).
Tại Điều 4a, Thông tư 39 quy định chi phí nhiều loại vật tư chưa tính trong giá ngày giường điều trị, được thanh toán theo thực tế sử dụng của người bệnh như: Thuốc, máu, chế phẩm máu, dịch truyền, các loại bơm tiêm, kim tiêm…
Điều 4a quy định chi phí chưa tính trong giá dịch vụ kỹ thuật được thanh toán theo thực tế sử dụng cho người bệnh; cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không thu của người bệnh các chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT.
Tại Điều 4b, Thông tư 39 quy định trong cùng một lần đến khám bệnh tại cùng một cơ sở y tế, người bệnh sau khi khám một chuyên khoa cần phải khám thêm các chuyên khoa khác thì từ lần khám thứ 2 chỉ tính 30% mức giá của 1 lần khám bệnh.
Nếu người bệnh khám nhiều chuyên khoa cùng lúc thì mức thanh toán tối đa chi phí khám bệnh của người đó không quá 2 lần mức giá của 1 lần khám bệnh.
Nếu người bệnh đã khám xong, được cấp thuốc về nhà nhưng sau đó có biểu hiện bất thường, đến khám lại trong ngày thì lần khám này cũng được tính lần khám thứ 2 trong ngày, chỉ tính 30% mức giá của 1 lần khám bệnh.
Tại Điều 4c, Thông tư 39 quy định về cách xác định số ngày giường, áp dụng mức giá và thanh toán tiền ngày giường giữa cơ quan bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; trong đó có nhiều quy định có lợi cho người bệnh.
Cụ thể, trường hợp trong cùng một ngày người bệnh chuyển 2 khoa thì mỗi khoa chỉ được tính 1/2 ngày.
Giá dịch vụ ngày giường bệnh được tính theo tiêu chuẩn 1 người/1 giường. Trường hợp ở cùng một thời điểm phải nằm ghép 2 người/1 giường thì chỉ được thanh toán 1/2 mức giá dịch vụ. Trường hợp nằm ghép từ 3 người trở lên thì chỉ được thanh toán 1/3 mức giá. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp thì áp dụng mức bằng 50% mức giá.
Thông tư 39 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.