Trong những ngày qua, tin đồn ‘nữ nhân viên Samsung Thái Nguyên lây HIV cho 16 người’ được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội. Công an tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định xử phạt một người phụ nữ lan truyền thông tin nói trên, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra để tìm nguồn phát tán. Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên người tung tin đồn bị xử phạt. Và có thể hành vi này của một số người trong thời gian tới cũng chưa ‘biết sợ’ mà dừng lại.
Những hành vi tác động xấu đến tinh thần, danh dự của người trong cuộc không phải lần đầu diễn ra
Tin đồn “một nữ nhân viên Samsung Thái Nguyên lây HIV cho 16 người” được lan truyền trên mạng xã hội đã khiến nhiều người hoang mang, bất bình. Phía công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và C.T.D. (cô gái bị đồn có liên quan) đều đã bác bỏ thông tin sai sự thật. Thông tin trên được lan nhanh với số lượt share, like, comment rất lớn, gây sự hoang mang trong dư luận và đặc biệt là tác động xấu đến tinh thần, danh dự của người trong cuộc.
Trước tin đồn trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên cũng đã rà soát toàn bộ tình hình nhiễm HIV trên địa bàn và xác nhận “không có danh sách ca nhiễm HIV nào như thông tin trên mạng xã hội”.
Công an tỉnh Thái Nguyên đã nhanh chóng vào cuộc và phát hiện tài khoản facebook của chị Nguyễn Thị N. (sinh năm 1986, trú tại phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên) đăng hình ảnh, thông tin về việc nữ nhân viên Samsung lây nhiễm HIV cho nhiều người đàn ông, có kèm cả hình ảnh nữ nhân viên và danh sách người bị lây nhiễm. Những nội dung này đã được các cơ quan chức năng khẳng định là không đúng sự thật. Vì thế, Công an tỉnh Thái Nguyên đã xử phạt chị N. 7,5 triệu đồng. Chị N. đã thừa nhận hành vi vi phạm khi đăng tải thông tin giả mạo, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm người khác, đồng thời, chị N. đã đăng bài đính chính tin đồn trên ở facebook của mình.
Đây không phải lần đầu tiên những tin đồn như thế này được lan truyền. Thực tế đã từng xảy ra nhiều vụ việc tương tự.
Tháng 11/2023, trên các hội nhóm facebook xuất hiện thông tin một cô gái trẻ sống tại một xã trong khu du lịch Pù Luông, huyện Ba Thước, tỉnh Thanh Hóa đã lây nhiễm HIV cho hơn 40 người đàn ông. Thời điểm đó, thông tin này cũng lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận. Ngay khi nhận được thông tin, Công an huyện Bá Thước đã tham mưu và phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ sự việc. Cơ quan chức năng đã vận động, đưa người phụ nữ bị vướng vào tin đồn đi xét nghiệm và cho kết quả âm tính với HIV. Công an huyện Bá Thước cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với D.T.M (ở thị trấn Cành Nàng) 7,5 triệu đồng và L.T.M (ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước) 5 triệu đồng về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân”.
Vào tháng 12/2020, mạng xã hội cũng chia sẻ chóng mặt thông tin một nữ du học sinh người Việt tại Đài Loan (Trung Quốc) đã lây nhiễm HIV cho nhiều người khác. Bài đăng cũng đi kèm hình ảnh của một cô gái và vài chục người khác cả nam lẫn nữ. Thông tin này được anh Q.V.L. (SN 1983, thường trú tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) chia sẻ lại vào trong một hội nhóm trên facebook của người dân Hải Phòng.
Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng phối hợp với cơ quan Công an tiến hành xác minh, xử lý vụ việc. Sở TT&TT TP Hải Phòng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh L. về hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật.
Trong dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua, tại TP Đà Lạt, một số cá nhân đã lan truyền những thông tin “Đà Lạt xảy ra biến lớn”. Trong đó, nhiều tin đồn xuất hiện như: “bom xăng trên đường phố”, “đóng cửa tất cả các trung tâm thương mại, chợ… do xuất hiện người cầm súng”… Những đối tượng phao tin còn xúi giục người dân đừng đi ra khỏi nhà, không đến nơi công cộng, đừng đi du lịch Đà Lạt vì “nguy hiểm”. Công an tỉnh Lâm Đồng đã triệu tập một số cá nhân đăng tải thông tin sai sự thật khiến người dân và du khách hoang mang, lo lắng, gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế – xã hội của Đà Lạt trong dịp cao điểm du lịch lễ vừa qua. Những cá nhân này khai nhận, do “hóng hớt” thông tin lan truyền rồi suy diễn lại, đăng tải để “câu view”.
Tại Hà Nội, câu chuyện “3 quả dứa 500 ngàn đồng” gây bất bình về việc “chặt chém” du khách, bôi xấu hình ảnh du lịch địa phương, khiến du khách có cái nhìn xấu về du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, công an xác minh cho thấy người bán hàng rong lấy giá 50 ngàn đồng 3 quả dứa.
Những câu chuyện tin giả trong các vụ việc nêu trên là những lần nhắc nhở người sử dụng mạng xã hội cần hết sức cẩn trọng trong việc tiếp nhận thông tin, hình ảnh trên mạng, nhất là giữa bối cảnh tin giả, hình ảnh được chế từ công nghệ cao rất phổ biến. Đặc biệt, việc đăng các thông tin về đời tư người khác trên mạng, nhất là đăng hình ảnh cá nhân người khác mà không được phép, có thể vi phạm pháp luật.
Để tin đồn “không có cửa” tấn công, gây ảnh hưởng tiêu cực
Việc lan truyền tin giả gây ra hậu quả nghiêm trọng, như thao túng dư luận, gây ra sự lo lắng, sợ hãi, chia rẽ, bất hòa cho công chúng và xói mòn niềm tin vào các nguồn tin tức hợp pháp.
Theo thống kê, hiện tại, Việt Nam có 71% người dân sử dụng mạng xã hội. Đây là môi trường cho tin giả ngày càng phát triển trong thời gian gần đây, tin giả được lan dễ dàng qua môi trường này.
Theo thông tin từ Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, ở nước ta, trên nền tảng youtube có 63 triệu lượt tài khoản, nền tảng facebook có 66,2 triệu lượt tài khoản, tiktok có 49,86 triệu tài khoản… Từ năm 2021 đến hết năm 2023, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam tiếp nhận 6.398 phản ánh tin giả, trong đó có 1.832 tin có thể kiểm chứng; 952 tin phản ánh về tin xấu độc; 1.311 tin báo tin sai, tin không đúng nội dung phản ánh, không đúng thẩm quyền xử lý; 1.226 tin báo về lừa đảo tài chính qua mạng. Trung tâm đã công bố hơn 30 website giả mạo doanh nghiệp; yêu cầu mạng xã hội nước ngoài xử lý gỡ bỏ 543 tin giả, tin xấu độc; chặn gỡ 725 tên miền cờ bạc. Theo đó, các nền tảng xuyên biên giới như facebook, youtube, tiktok là nơi phát tán nhiều nhất thông tin xấu độc, tin giả. Do đó, muốn quản lý tốt không gian mạng thì phải đấu tranh buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Về khung pháp lý phòng chống, có Bộ luật Hình sự 2015; Luật An ninh mạng 2018; Bộ luật Dân sự 2025; Nghị định số 72/2013/ND-CP và 27/2018/ND-CP (bổ sung Nghị định số 72) về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ internet và thông tin trực tuyến; Nghị định số 70/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Nghị định; Luật Quảng cáo…
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT), các biện pháp xử lý tin giả cần được thực hiện là: hoàn thiện khung pháp lý để quản lý hoạt động cung cấp, sử dụng, quản lý thông tin và chống tin tin giả; nâng cao khả năng giám sát không gian mạng và thẩm định, công bố tin giả; đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới như xử lý nhãn hàng, đại lý quảng cáo thực hiện quảng cáo sai sự thật, cài đặt quảng cáo vào nội dung tin giả, vi phạm pháp luật; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm phòng chống tin giả của người dân và toàn xã hội.
Nhưng để tin đồn “không có cửa” tấn công, gây ảnh hưởng tiêu cực, thì mỗi người cần phải luôn tỉnh táo trước các luận điệu sai trái, bôi nhọ, kích động, không hùa theo kiểu hội chứng đám đông, nhất là khi sử dụng mạng xã hội.
Việc xây dựng không gian mạng an toàn cũng cần được đẩy mạnh, mà trong đó, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường các biện pháp hữu hiệu để quản lý. Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, diệt trừ virus xấu độc – virus tin đồn, không để phát tán trên không gian mạng, từ đó góp phần hiệu quả chặn đứng tin giả, tin sai sự thật.
Bộ TT&TT đang đề xuất bổ sung các quy định đảm bảo an toàn an ninh mạng cho người dân khi sử dụng mạng xã hội. Đó là xác thực người dùng mạng xã hội bằng số điện thoại di động; ngừng cung cấp internet đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật; đối với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, yêu cầu phải gỡ nội dung vi phạm trong 24 giờ và gỡ ngay nếu ảnh hưởng an ninh quốc gia; quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương tham gia quản lý không gian mạng theo ngành, lĩnh vực, địa bàn theo hướng quản lý lĩnh vực gì trong đời thực thì cũng quản lĩnh vực đó trên mạng.
Thái Phương