Doanh nghiệp bị UBND tỉnh Thái Bình ra quyết định xử phạt số tiền tổng cộng 120 triệu đồng về các lỗi vi phạm: Không có giấy phép môi trường theo quy định đối với hoạt động sản xuất bêtông thương phẩm và vi phạm các quy định về xả nước thải có chứa các thông số môi trường thông thường vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải.
Theo ông Nguyễn Hoàng Lâm – Phó Trưởng ban Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2, trước đây, khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN)/Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PWPower) triển khai dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tại xã Mỹ Lộc (huyện Thái Thụy), UBND tỉnh Thái Bình đã giao đất cho tập đoàn, trong đó có quỹ đất dành cho xây dựng, lắp đặt trạm trộn bêtông ximăng tạm phục vụ thi công nhà máy.
Tiếp đó, chủ đầu tư PVN/PWPower giao Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 triển khai thực hiện trạm trộn bêtông và một số công trình phụ trợ như bãi tập kết thiết bị và nhà xưởng gia công cơ khí trên khu đất có diện tích trên 17.000m2 ở thôn Tân Minh.
Cuối năm 2009, Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (tổng thầu PetroCons, tiền thân là tổng thầu PVC) kiến nghị Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 cho phép công ty con của mình là Công ty CP Thi công cơ giới và Lắp máy dầu khí (viết tắt là Công ty PVC-ME) mượn khu đất nói trên để sử dụng vào mục đích đúng theo yêu cầu của chủ đầu tư.
“Sau khi hết thời gian gia hạn, Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 đã có nhiều công văn đôn đốc tổng thầu PetroCons/Công ty PVC-ME hoàn trả lại khu đất để ban bàn giao lại cho UBND tỉnh Thái Bình quản lý, tuy nhiên, đến nay việc bàn giao khu đất vẫn chưa được thực hiện” – ông Lâm cho hay.
Được biết, quá trình liên kết làm ăn, kinh doanh giữa các đơn vị bên ngoài này xảy ra tranh chấp về công nợ, vì vậy từ năm 2019 đến nay – khi thời hạn cho mượn đất đã hết – Ban Quản lý dự án Điện lực dầu khí Thái Bình 2 đã có nhiều văn bản, báo cáo tỉnh, các sở, ban, ngành và huyện đề nghị yêu cầu các đơn vị tháo dỡ tài sản, máy móc và trả lại đất cho ban để ban trả lại cho tỉnh Thái Bình, nhưng các đơn vị vẫn không chấp hành.