Nỗi ám ảnh về đêm của người dân HÀ NỘI

Ám ảnh câu chửi của quái xế ‘tránh ra cho bố mày đi’

 

‘Em đi bình thường thôi, rồi một đoàn xe đi sát người em, còn quát em là ‘đi gọn vào cho bố mày đi’, chúng chửi và quá ngông cuồng. Em và những người khác nữa cả già lẫn trẻ cứ phải nép lại cho đoàn xe đấy đi’, anh Quân chia sẻ.

Với những người dân các tuyến phố trung tâm Hà Nội, nơm nớp, hãi hùng lo tránh né các đoàn xe lạng lách, đánh võng, chạy với tốc độ cao vào tối muộn đã là cảm giác không mấy xa lạ.

Đặc biệt, cư dân ở gần hiện trường vụ một cô gái dừng đèn đỏ bị đoàn xe “quái xế” tông trúng dẫn đến tử vong vào rạng sáng 3/11 vừa qua vẫn chưa hết ám ảnh.

Hiện trường vụ tai nạn cô gái chờ đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu bị đoàn 'quái xế' tông phải dẫn đến tử vong.

Hiện trường vụ tai nạn cô gái chờ đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu bị đoàn ‘quái xế’ tông phải dẫn đến tử vong.

Lê Thanh Quân làm bếp cho một nhà hàng ngay gần hiện trường sự cố là ngã tư Trần Hưng Đạo – Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm). Theo Quân, vụ tai nạn khiến cô gái trẻ tử vong là hệ quả của một hiện tượng xảy ra có quy luật.

Gần như tối nào, khi tan giờ làm vào khoảng 21h30-22h, Quân cũng thấy có một nhóm chừng 5-7 thanh thiếu niên chạy xe máy tụ tập trên phố Trần Hưng Đạo, sau đó nhập đoàn với những nhóm khác để bắt đầu hành trình “bay đêm” theo tuyến Lê Duẩn – Kim Liên – hồ Gươm.

“Em cảm thấy bây giờ, giới trẻ có những bộ môn quá nguy hiểm với những người xung quanh. Họ tụ tập trên phố Trần Hưng Đạo này sau đó tiếp tục nhập bọn với nhau, rú ga với các phương tiện khác. Hôm đó, em đi bình thường thôi, rồi một đoàn xe đi sát người em, còn quát em là ‘đi gọn vào cho bố mày đi’, chúng chửi và quá ngông cuồng. Em thì có gia đình rồi, và những người khác nữa cả già lẫn trẻ cứ phải nép lại cho đoàn xe đấy đi”, anh Quân chia sẻ.

Anh Lê Thanh Quân, làm việc ngay gần ngã tư hiện trường, từng bị một đoàn 'quái xế' khác lao tới với tốc độ cao rồi chửi to 'tránh ra bố mày đi'.

Anh Lê Thanh Quân, làm việc ngay gần ngã tư hiện trường, từng bị một đoàn ‘quái xế’ khác lao tới với tốc độ cao rồi chửi to ‘tránh ra bố mày đi’.

Anh Lê Thanh Quân cho rằng, ngoài đam mê tốc độ, một phần nguyên nhân là do những thanh niên này ở độ tuổi mới lớn thích thể hiện, thiếu nhận thức về pháp luật. Anh đồng tình với việc cơ quan chức năng ra quyết định khởi tố hình sự vụ việc. Bởi người trên 16 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm:

“Nhận thức của các em ấy bị sai lệch. Độ tuổi thích thể hiện, ra đường cứ phải rồ ga, nẹt pô thế cho oai. Theo em, nhà nước nên có chế tài xử phạt nặng với những trường hợp như thế, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự rồi. Cần làm để răn đe các thế hệ sau. Chứ bây giờ em thấy tình trạng đua xe ngày càng nhiều, số lượng ngày càng đông”.

Kinh doanh hàng nước trên phố Trần Hưng Đạo, bà Đỗ Thu Hiền rất ám ảnh với những âm thanh gầm rú của tiếng động cơ vào mỗi đêm: “Gây ra những chuyện đau xót như thế, đó là những hành vi vô ý thức. Người ta nuôi con 27 năm, bây giờ chết oan uổng, chết vì những cái lãng nhách. Mình nghĩ đến những đau thương của người ta. Bây giờ nói thế nào cũng không thể đảo ngược lại. Đó là một thực trạng của xã hội”.

Dù cố gắng, nhưng bà Hiền vẫn không thể hiểu được suy nghĩ, lối sống của một bộ phận giới trẻ ngày nay. Bà cho rằng, cần một giải pháp thấu tình đạt lý và nhân văn hơn để có lời giải tận gốc vấn đề. Ví dụ như các nghiên cứu về tâm lý lứa tuổi vị thành niên, khuyến cáo cho gia đình, nhà trường về những định hướng cho giới trẻ.

“Phải tìm nguồn gốc, phải khắc phục. Cần nghĩ cho bọn trẻ con, cần góc nhìn nhân văn. Một mặt là xử phạt, một mặt cũng phải hiểu được tâm lý của chúng nó, căn nguyên sự việc. Thường là bọn trẻ chưa đi làm, ít lo học hành, nghiễm nhiên tiêu tiền của bố mẹ, lại thích thể hiện bản thân bất chấp như thế”, bà Hiền chia sẻ.

Bà Hiền, bán nước trên phố Trần Hưng Đạo, cho rằng, bên cạnh xử phạt nghiêm, để tránh những tai nạn ám ảnh, cần giải pháp đi từ căn nguyên vấn đề là tâm lý của lứa tuổi vị thành niên.

Bà Hiền, bán nước trên phố Trần Hưng Đạo, cho rằng, bên cạnh xử phạt nghiêm, để tránh những tai nạn ám ảnh, cần giải pháp đi từ căn nguyên vấn đề là tâm lý của lứa tuổi vị thành niên.

Đồng tình quan điểm này, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, cũng khẳng định, cần làm rõ trách nhiệm của những bậc phụ huynh đã giao xe cho con khi chưa đủ tuổi: “Rõ ràng, rất nhiều bậc phụ huynh buồn phiền, gánh chịu hậu quả pháp lý khi giao phương tiện cho con, để con lấy xe máy thực hiện hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng như vậy”.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, bên cạnh giải pháp can thiệp tâm lý, nâng cao giáo dục nhận thức, các chế tài cũng cần tăng mạnh để đủ sức răn đe những trường hợp thanh thiếu niên có ý định đua xe, lạng lách, đánh võng, vi phạm quy tắc an toàn giao thông.

Đơn cử như Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 100, Nghị định 123 đề nghị tăng mức xử phạt, chế tài 5-6 lần mức hiện tại đối với những hành vi có nguy cơ gây TNGT, tính chất cố ý vi phạm, coi thường pháp luật, trong đó có hành vi đua xe và tổ chức đua xe trái phép.

Chu Đức/VOV-Giao thông