Người tiên phong, thuần hóa dúi rừng thành dúi nhà
Đến thăm trang trại nuôi dúi của ông Phan Hữu Tình, trú tại thôn Khang Thịnh xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân (tỉnh Hà Tĩnh). Mô hình không chỉ gây ấn tượng bởi quy mô số lượng, sự đầu tư về mặt chuồng trại mà còn bởi ông Tình là người đầu tiên thuần hoá và nhân giống được loại dúi để nuôi ở một địa bàn đồng bằng ven biển như ở Nghi Xuân.
Ông Phan Hữu Tình chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi sống ở xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh. 2 vợ chồng làm công nhân cho nhà máy gạch ngói Kỳ Giang. Tuy nhiên, vào năm 2019, nhà máy không có việc làm, vợ chồng đã quyết định về quê ở xã Xuân Viên sinh sống.
Ban đầu, ông Tình khởi nghiệp mô hình với 3 cặp dúi rừng. Từ chỗ tìm hiểu tập tính, tiến tới thuần hoá, gây giống, đến nay mô hình của ông Tình được đánh giá là có quy mô lớn, duy trì với gần 200 con dúi sinh sản và hơn 100 con dúi thương phẩm.
Đồng thời, đây cũng là mô hình đầu tiên, duy nhất ở Nghi Xuân được cơ quan chức năng cấp phép để nuôi động vật rừng.
Theo ông Tình, dúi tự nhiên thường sống trong hang, hốc, chịu được lạnh nhưng chịu nóng kém và ưa bóng tối. Bởi vậy, việc làm chuồng trại cho dúi cần được tính toán kỹ. Để đảm bảo điều kiện cho dúi phát triển, phải đầu tư hệ thống làm mát, quạt thông gió, trần cách nhiệt để luôn đảm bảo nhiệt độ trong phòng không quá 35 oC.
Mỗi năm lãi ròng nửa tỷ đồng
Trong quá trình chăn nuôi dúi, ông Tình nhận thấy điều khó nhất vẫn là cho dúi sinh sản. Việc ghép đực cái sao cho phù hợp, theo dõi khi dúi sinh sản cần phải tách ngay con đực để tránh dúi đực cắn chết dúi con. Với kinh nghiệm nuôi dúi, sự am hiểu, ông Tình đã thành công và số lượng đàn đang dần tăng lên.
Hiện ông Tình đang tiếp tục mở rộng quy mô, nhân đàn dúi sinh sản lên 300 con để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường. Đến thời điểm hiện tại đàn dúi của ông Tình đang có đầu ra tốt khi nhiều nhà hàng ở Vinh và thành phố Hà Tĩnh thường xuyên đặt dúi thương phẩm với giá bán bình quân 500 nghìn/1 kg, dúi giống 2,2 triệu đồng/ cặp.
Ước tính mô hình mỗi năm cho ông Tình thu nhập 500 triệu đồng. Với người nuôi dúi như ông Tình, để có được kết quả này không chỉ là sự thành công về mặt kỹ thuật chăm sóc mà còn là kết quả từ sự tận tụy của một người nhiệt huyết và mạnh dạn trong cách nghĩ cách làm, mô hình đã mang lại hiệu quả cao, để người dân trong xã, huyện có thể học tập phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập.
Lan toả cách làm giàu bền vững cho các hộ dân
Đang làm nghề lái xe cho một doanh nghiệp tại địa phương, trong một lần đi ra miền Bắc, anh Nguyễn Văn Ý, trú tại Thôn Nam Thành xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên tình cờ biết đến mô hình nuôi dúi của ông Phan Hữu Tình mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã tìm hiểu kỹ thuật và mua 2 cặp dúi về nuôi thử. Sau một thời gian, thấy dúi sinh trưởng phát triển rất tốt, còn cho sinh sản thêm dúi con, anh Ý đã mạnh dạn vay vốn quyết định đầu tư gần 300 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua thêm 40 cặp dúi để thả nuôi.
Anh Nguyễn Văn Ý cho biết: “Dúi thuộc loại động vật hoang dã nên kỹ thuật nuôi cần thận trọng hơn các loại động vật khác.
Hiện nay, gia đình anh Ý đang nuôi 2 loại dúi là: dúi mốc và dúi má đào. Đây là 2 loại dúi có nhiều ưu điểm vượt trội như: dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại dúi khác. Không chỉ nuôi thương phẩm, anh Ý còn nuôi dúi sinh sản để nhân đàn và bán giống nhằm tăng thu nhập.
Trung bình mỗi năm dúi sinh 3 lứa, mỗi lứa từ 2 – 4 con. Từ 40 cặp dúi ban đầu, hiện nay, đàn dúi của anh Ý đã sinh sản và duy trì ở mức trên 200 con. Với giá bán hiện nay của dúi thịt là 500 nghìn đồng/kg, dúi giống 2,2 triệu đồng/kg, mỗi năm mang lại thu nhập cho gia đình ông hơn 200 triệu đồng.
Từ thành công mô hình nuôi dúi của ông Phan Hữu Tình, anh Nguyễn Văn Ý, nhiều người dân đã tìm đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng triển khai.
Anh Ngô Sỹ Cương cũng ở Thôn Nam Thành, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, một trong những hộ dân đã đến học tập mô hình nuôi dúi của anh Ý về triển khai cho biết: “Sau khi tận mắt chứng kiến mô hình nuôi dúi của anh Ý, tôi rất tâm đắc và quyết định thử nghiệm với 60 cặp.
Lần đầu nuôi nhưng theo cảm nhận của tôi, dúi là loài dễ nuôi, hầu như không có dịch bệnh xảy ra. Thức ăn cho dúi dễ kiếm, tuy nhiên phải đảm bảo sạch sẽ, không bị ôi mốc để phòng tránh dịch bệnh, bởi dúi thường dễ mắc các bệnh về đường ruột”.
Ngoài ra, anh còn tận dụng vườn rộng trồng mía, cỏ voi để cung cấp thức ăn cho dúi nhằm giảm bớt chi phí vừa đảm bảo nguồn thức ăn sạch, chủ động. Hiện nay, anh Cương đang tiếp tục xây dựng thêm các ô chuồng để tiếp tục tăng đàn.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tình – Phó Bí thư Đảng ủy, xã Cẩm Trung, cho biết: “Thời gian qua, trên địa bàn xã Cẩm Trung xuất hiện một số mô hình phát triển kinh tế mới. Chính quyền địa phương cũng đã quan tâm, phối hợp với ngành chuyên môn huyện hỗ trợ tích cực về mặt khoa học kỹ thuật và các cơ chế chính sách kích cầu, tìm kiếm đầu ra để có mối liên kết tiêu thụ giúp bà con yên tâm sản xuất”.
“Đến nay mô hình nuôi dúi ở xã Cẩm Trung có 5 hộ dân áp dụng triển khai với quy mô từ 50 con đến vài trăm con. Việc xây dựng thành công mô hình nuôi dúi không chỉ giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giúp địa phương cũng cố vững chắc tiêu chí tổ chức sản xuất và xây dựng xã Nông thôn mới nâng cao”, ông Nguyễn Văn Tình – Phó Bí thư Đảng ủy, xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, nói.