Quảng Ninh: Bất an điểm dân cư thành ‘ốc đảo’

Một thôn ở huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) với trên 700 nhân khẩu thường xuyên rơi vào cảnh ‘nội bất xuất, ngoại bất nhập’ trong mùa mưa bão, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Gian nan qua ngầm tràn

Gần 3 tuần sau cơn bão Yagi đổ bộ vào địa bàn, ngầm tràn nối thôn Tây, xã Dực Yên, huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) với trung tâm xã vẫn chưa thể khôi phục.

Nước đã rút, nhưng người dân chỉ tạm bắc miếng bê tông qua vị trí ngầm tràn đã bị cuốn trôi để người đi bộ, xe đạp và xe máy có thể qua lại.

Trận mưa lớn sau bão số 3 đã làm cho ngầm tràn vào thôn Tây bị phá hủy hoàn toàn.

Trận mưa lớn sau bão số 3 đã làm cho ngầm tràn vào thôn Tây bị phá hủy hoàn toàn.

“Đây là tuyến giao thông duy nhất nối thôn Tây với trung tâm xã. Mỗi khi mưa lũ, nước dâng là ngầm tràn sẽ bị ngập băng, toàn thôn bị cô lập. Lần này, trận mưa lớn ngày 9/9 khiến chiếc ngầm tràn bị cuốn băng”, anh cán bộ xã Dực Yên chia sẻ.

Chật vật dắt chiếc xe đạp qua chiếc ngầm tràn ngổn ngang đất, đá, bê tông, bé Đặng Hoàng Anh Vũ, học sinh lớp 4, nhà ở đầu thôn Tây cho biết, từ khi chiếc ngầm bị cuốn trôi, Anh Vũ và các bạn học đến trường ở trung tâm xã qua khu vực này luôn cảm thấy lo lắng.

“Mấy ngày trước, nước lũ về rất lớn, chúng cháu vừa dắt xe đạp qua cây cầu tạm vừa run run. Vì nếu trượt tay là ngã nhào xuống dòng nước cuồn cuộn chảy phía dưới”, cháu Anh Vũ kể.

Lối xuống ngầm tràn toàn sỏi đá lổn nhổn, khó đi.

Lối xuống ngầm tràn toàn sỏi đá lổn nhổn, khó đi.

Bà Nguyễn Thị Khánh, hơn 70 tuổi, nhà ở đầu thôn Tây cho biết, khoảng hơn chục năm trở lại đây, do rừng ở đầu nguồn bị khai thác nhiều, nên mỗi khi có mưa lớn là ngầm tràn bị ngập băng, khiến cả thôn rơi vào cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

“Vào những ngày mưa, gia đình nào có người đổ bệnh nặng là lo lắng lắm”, bà Khánh nói.

Theo bà con ở thôn Tây, tại chiếc ngầm tràn vào thôn đã xảy ra rất nhiều vụ bị nước cuốn trôi. Cách đây mấy năm, một người đàn ông trong thôn do có việc gấp, nên liều đi xe máy qua ngầm tràn lúc lũ về và đã bị nước cuốn trôi, mãi mới tìm thấy thi thể.

Chị Đinh Thị Xuân, ở cạnh nhà bà Khánh cho biết, phụ nữ trong thôn đến kỳ sinh nở mà vào mùa mưa thường phải ở nhờ bên kia suối. Vì nếu lũ xuống mà gặp lúc trở dạ là không thể đi được nữa.

“Bao năm nay, bà con kiến nghị cấp có thẩm quyền làm lại chiếc ngầm tràn để đảm bảo an toàn, phục vụ phát triển kinh tế, nhưng chưa thấy triển khai”, chị Xuân cho hay.

Vướng giải phóng mặt bằng?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Chíu Dì Pẩu, Phó bí thư Chi bộ thôn Tây cho biết, thôn có 176 hộ dân với trên 700 nhân khẩu.

Ngầm tràn vào thôn được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng năm 1972 với chiều dài 50m. Do ngầm tràn được thiết kế nằm sâu dưới dòng suối, nên mỗi khi có mưa lớn là giao thông bị chia cắt hoàn toàn.

Đặc biệt, ngày 9/9 vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão gây mưa lớn, lũ lụt đã cuốn trôi hoàn toàn phần thân ngầm dài 35m và phần đầu ngầm tràn phía cổng làng thôn Tây.

Trong khi chờ được xây dựng, ngày ngày, người dân thôn Tây phải lưu thông trên đoạn đường đầy hiểm nguy như thế này.

Trong khi chờ được xây dựng, ngày ngày, người dân thôn Tây phải lưu thông trên đoạn đường đầy hiểm nguy như thế này.

“Sau khi ngầm tràn bị cuốn trôi, chính quyền xã và lực lượng chức năng của huyện phải mở một con đường nhỏ men theo đường Chùa Sâu để tìm cách vào hỗ trợ người dân cũng như triển khai biện pháp gia cố ở vị trí sạt lở để ngăn nước tràn vào khu dân cư. Bà con rất mong mỏi, cơ quan có thẩm quyền sớm triển khai dự án làm đường mới để vào thôn”, anh Pẩu cho biết.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo UBND xã Dực Yên xác nhận, thôn Tây thường xuyên bị cô lập vào mùa mưa bão.

“Hiện, dự án cầu tràn thôn Tây đã được UBND huyện phê duyệt với tổng kinh phí 30,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, do vướng công tác giải phóng mặt bằng, nên dự án chưa triển khai được”, vị lãnh đạo UBND xã Dực Yên thông tin.

Khu vực đang chờ giải phóng mặt bằng để thi công dự án ngầm tràn vào thôn Tây.

Khu vực đang chờ giải phóng mặt bằng để thi công dự án ngầm tràn vào thôn Tây.

Được biết, theo phương án được phê duyệt, cầu tràn thôn Tây có chiều dài 332,62m được thiết kế chuẩn đường cấp III miền núi, vận tốc thiết kế 60km/h. Chiều rộng đoạn từ Km 0+250 dài 250m, rộng 6,5m, đoạn cuối tuyến dài 82m, vuốt qua khu dân cư.

Tổng vốn đầu tư dự án cầu tràn thôn Tây là 30,9 tỷ đồng, gồm: Chi phí xây dựng là trên 21,35 tỷ đồng, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng là trên 4,66 tỷ đồng… từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và huyện. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đầm Hà thực hiện trong giai đoạn 2023-2025…

Lý giải về việc vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nên chưa thể thực hiện được dự án cầu tràn nêu trên, một lãnh đạo UBND xã Dực Yên cho biết, việc kiểm đếm, xây dựng phương án đã hoàn thành. Tuy nhiên, chưa thể tiến hành đền bù được vì còn phải chờ quy định mới của pháp luật liên quan đến đất đai có hiệu lực.

Quang Minh