Sở Y tế tỉnh Quảng Nam: Đã có kết luận về 15 học sinh n.ôn ó.i phải nhập viện

15 học sinh nhập viện cấp cứu với triệu chứng giống ngộ độc sau khi ăn sữa chua ở trường. Tuy nhiên, Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc kết luận là do hiệu ứng đám đông.
Trường Tiểu học Nguyễn Ngọc Bình, Quảng Nam, nơi xảy ra vụ 15 học sinh nhập viện nghi ngộ độc.
Trường Tiểu học Nguyễn Ngọc Bình, Quảng Nam, nơi xảy ra vụ 15 học sinh nhập viện nghi ngộ độc.

Liên quan đến vụ 15 học sinh tại Trường Tiểu học Nguyễn Ngọc Bình, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nhập viện để theo dõi, điều trị sau khi ăn sữa chua, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã có kết luận đây không phải là vụ ngộ độc thực phẩm.

Ngày 29/10, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết, đã có công văn báo cáo UBND tỉnh về sự việc. Công văn nêu rõ: Căn cứ kết quả xác minh của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc, báo cáo kết quả khám, điều trị của Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam và báo cáo của UBND huyện Đại Lộc, Sở Y tế kết luận, 15 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Ngọc Bình nhập viện không phải do ngộ độc thực phẩm.

Trước đó, UBND huyện Đại Lộc đã có công văn gửi UBND tỉnh, Sở Y tế cùng các cơ quan chức năng báo cáo kết quả xác minh thông tin xảy ra tại Trường Tiểu học Nguyễn Ngọc Bình, các cơ quan chức năng địa phương xác định nguyên nhân không phải do ngộ độc thực phẩm và đây không phải là vụ ngộ độc thực phẩm.

Theo báo cáo của UBND huyện, tại nhà ăn bán trú của Trường Tiểu học Nguyễn Ngọc Bình trưa 24/10 có 298 học sinh và 13 cô giáo, cấp dưỡng với thực đơn là món mỳ Quảng do Công ty TNHH Trần Khôi tại Đại Hiệp cung cấp (có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP số 12/2023/GCNATTPSCT do Sở Công Thương Quảng Nam cấp) và nước lèo (gồm nấm rơm, thịt heo, thịt bò, tôm, cà chua) do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ thực phẩm Hoa Hướng Dương tại Đại Hiệp cung cấp (có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP số 02/2023/NNPTNT-QNa do Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cấp).

Lúc 13 giờ 10 phút cùng ngày, sau giờ ngủ trưa, nhà trường cho học sinh bán trú ăn bữa xế chiều bằng sữa chua do hộ kinh doanh Đỗ Văn Huế (địa chỉ Phú Hải, Đại Hiệp, huyện Đại Lộc) tự làm tại nhà (có Giấy ĐKKD số: 33D8006811 do Phòng TC-KH huyện Đại Lộc cấp ngày 9/8/2024 và Giấy cam kết bảo đảm ATTP số 4/XNCK-KTHT do Phòng Kinh tế và Hạ tầng cấp ngày 23/8/2024).

Học sinh bị nôn ói, đau bụng sau khi ăn sữa chua được đưa vào cơ sở y tế.
Học sinh bị nôn ói sau khi ăn sữa chua được đưa vào cơ sở y tế.

Đến 13 giờ 30 phút, nhà trường ghi nhận 15 trường hợp học sinh cho biết bị buồn nôn, tức bụng nhẹ. Ban giám hiệu nhà trường đã đưa các em đến Trạm Y tế xã Đại Hiệp để xử trí và được Trạm Y tế xã Đại Hiệp chuyển lên Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam để khám và điều trị.

Trong đêm 24/10, có 15 học sinh ở lại khoa Nhi, tình trạng của các em ở viện ổn định, không còn đau bụng, không buồn nôn và không nôn, các em vui chơi, ăn uống bình thường.

Đến 16 giờ ngày 25/10, có 14/15 học sinh được bệnh viện làm thủ tục ra viện, trường hợp còn lại sau đó cũng đã ra viện. “Theo Bệnh viện Đa khoa miền núi phía Bắc Quảng Nam, các trường hợp trên được chẩn đoán viêm dạ dày ruột cấp – theo dõi ngộ độc thức ăn. Tuy nhiên, qua theo dõi diễn biến tình hình sức khỏe của 15 học sinh thì nhận định đây chưa phải là vụ ngộ độc thực phẩm” – công văn UBND huyện Đại Lộc nêu.

Liên quan đến nguyên nhân dẫn đến triệu chứng của các học sinh trên, căn cứ diễn biến sự việc “sau khi ăn sữa chua, có một học sinh nữ lớp 4D trong quá trình đùa giỡn với nhau thì bị bạn nam cùng lớp va chạm mạnh vào vùng bụng, khoảng 15 phút sau học sinh này tức bụng và nôn một lần. Thấy bạn như vậy, có 10 học sinh cùng lớp và 4 học sinh lớp khác cũng khai báo tức bụng nhẹ, buồn nôn…”, Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc kết luận không đủ cơ sở để xác định vụ ngộ độc thực phẩm mà là do “hiệu ứng đám đông”.

Đình Lương