Bí ẩn thiết bị bay không người lái “quần thảo” trong đêm
Người dân quay lại cảnh máy bay không người lái hoạt động phun hoá chất gây chết 4.000 m2 lúa và hoa màu của gia đình bà Chử Thị Hường (xóm Đầm Mương 15, xã Minh Đức, TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Clip do ông Nguyễn Nguyên Hồng – Trưởng xóm Đầm Mương 15 cung cấp.
Vừa qua, báo Dân Việt nhận được phản ánh của bà Chử Thị Hường (xóm Đầm Mương 15, xã Minh Đức, TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) về việc hơn 4.000m2 lúa và hoa màu (ngô và lạc) của gia đình đang trong thời kỳ sinh trưởng và phát triển tốt thì bất ngờ bị chết cháy hoàn toàn. Bà nghi ngờ có “kẻ xấu” thực hiện việc này.
Có mặt tại hiện trường, ghi nhận của PV Dân Việt cho thấy, khu đất trồng lúa và hoa màu như phản ánh nằm cách nhà bà Hường và một số hộ dân xung quanh khoảng 100m, hiện toàn bộ lúa và hoa màu đã bị chết, cháy vàng chỉ trơ lại đất hoặc gốc rạ.
Nói về nguồn gốc diện tích đất trồng lúa và hoa màu trên, bà Hường cho biết: Trước đây bà làm công nhân của Nông trường Chè Bắc Sơn và được Nông trường giao khoán cho cá nhân bà diện tích đất này năm 1988. Kể từ đó tới nay, hơn 35 năm qua gia đình bà thường xuyên cấy lúa, trồng hoa màu trên khu đất này và chưa có bất kì cơ quan chức năng nào ra quyết định thu hồi lại, gia đình bà cũng chưa một lần làm đơn xin giao nộp hoặc bán cho bất kỳ ai.
Hành vi phá hoại tài sản cần phải xử lý nghiêm
Ông Nguyễn Nguyên Hồng – Trưởng xóm Đầm Mương 15 (xã Minh Đức, TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) xác nhận việc trên địa bàn vừa qua có “ai đó điều khiển thiết bị bay không người lái phun hoá chất làm lúa và hoa màu của gia đình bà Chử Thị Hường chết cháy hoàn toàn” là sự thật.
Ông Hồng cho biết, trong lúc thiết bị bay không người lái phun “chất diệt cỏ cháy” xuống khu đất trồng lúa và hoa màu của gia đình bà Hường người dân xung quanh đã dùng điện thoại quay lại sự việc, tuy nhiên không phát hiện ra người thực hiện việc này.
Theo vị trưởng xóm Đầm Mương 15, sau khi lúa và hoa màu của gia đình bà Hường bị chết đột ngột, chính quyền xã đã cử nhiều đơn vị xuống kiểm tra, xác minh.
“Theo vị Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Đức khi đến kiểm tra cho biết thì hóa chất được phun xuống làm chết lúa và hoa màu của gia đình bà Hường là loại thuốc đang bị cấm sử dụng vì quá độc hại”, ông Hồng thông tin.
Ông Hồng nhấn mạnh, việc phun hoá chất diệt cỏ như vậy, không chỉ làm chết cây lúa và hoa màu mà còn làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, đặc biệt là nguồn nước của người dân. Ông Hồng lo ngại và tha thiết “rất mong cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ và xử lý nghiêm vi phạm nếu có trước pháp luật”.
Thông tin thêm về sự việc với PV báo Dân Việt, ông Trần Văn Hưng – Chủ tịch UBND xã Minh Đức (TP.Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) cho biết, sau khi nhận được nội dung phản ánh của gia đình bà Chử Thị Hường, UBND xã đã cử cán bộ địa chính và cán bộ phụ trách lĩnh vực nông nghiệp xuống kiểm tra, lập biên bản hiện trường đối với diện tích lúa và hoa màu thiệt hại nói trên.
Đối với phần diện tích lúa và hoa màu bị hủy hoại, UBND xã Minh Đức đã giao cho lực lượng công an kiểm tra xác minh đối tượng thực hiện hành vi hủy hoại và xác minh loại hóa chất gây hại cho phần diện tích lúa và hoa màu nói trên là loại hóa chất gì, có thuộc danh mục bị cấm sử dụng trong nông nghiệp hay không?
“Đến nay, Cơ quan công an vẫn chưa xác định được đối tượng cũng như chất gì đã sử dụng để gây hại cho diện tích lúa và hoa màu nói trên”, ông Hưng nói và khẳng định: “Đối với hành vi trên, nhất là hành vi phá hoại tài sản, sau khi có kết quả xác định chúng tôi cho rằng đây là hành vi thiếu đạo đức, vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Theo quy định tại Điều 26 của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng với nội dung hướng dẫn sử dụng ghi trên nhãn thuốc;
b) Không thu gom, để đúng nơi quy định bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không có tên trong Danh Mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam;
b) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật dưới dạng ống tiêm thủy tinh.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng nội dung hướng dẫn ghi trên nhãn gây hậu quả nguy hiểm.
4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong Danh Mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả
a) Buộc tiêu hủy thuốc đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2, khoản 4 Điều này;
b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này.