Ngày 10/8, Bệnh viện huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) cho biết vừa tiếp nhận 5 trường hợp nghi ngờ ngộ độc hóa chất nặng. Trong đó, có 3 bệnh nhân nặng phải đặt nội khí quản thở máy, 2 bệnh nhân thở ô xy qua mask.
Theo báo cáo nhanh của Bệnh viện huyện Bình Chánh, các bệnh nhân nhập viện vào lúc 17 giờ ngày 9/8 và được chẩn đoán ban đầu bị suy hô hấp, ngộ độc chất vô cơ (theo dõi ngộ độc Poly Aluminium Chloride – PAC). Các nạn nhân này nhập viện với các tình trạng hôn mê, co giật, khó thở và hầu hết đều bị giảm oxy máu.
Trong số 5 nạn nhân, có 3 trường hợp bị nặng phải đặt nội khí quản. Ảnh: BV
Được biết, trước đó cả 5 trường hợp trên đều vận chuyển bột PAC (chuyên xử lý nước) tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và kỹ thuật Trương Nguyệt, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.
Sau khi cấp cứu, bệnh viện đã chuyển 2 bệnh nhân đến Bệnh viện nhân dân 115, 2 bệnh nhân khác đến Bệnh viện Trưng Vương và 1 bệnh nhân còn lại chuyển đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Trong đó, trường hợp nặng nhất là N.V.L.E. (sinh năm 1993) được chuyển vào Bệnh viện Nhân dân 115, nhập viện trong tình trạng hôn mê, SPO2 40%; bệnh nhân V.H.K. (sinh năm 2005) nhập viện trong tình trạng tỉnh, khó thở, SPO2 90%, được thở oxy qua mask.
Theo báo cáo của Bệnh viện Trưng Vương, hai bệnh nhân được chuyển đến từ Bệnh viện huyện Bình Chánh có dấu hiệu lâm sàng bị MetHemoglobin. Bệnh nhân tiếp tục được hồi sức tích cực, thở máy và cần được truyền tĩnh mạch Blue Methylene – thuốc đặc trị cho bệnh nhân bị MetHemoglobin. Tuy nhiên, Blue methylene là thuốc quí, hiếm đã từ lâu không sẵn có tại các tủ thuốc cấp cứu của các bệnh viện.
Các bác sĩ kíp trực đã báo cáo khẩn Giám đốc bệnh viện để liên hệ ngay đến Trưởng khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhi đồng 1, nhờ vậy bệnh viện đã được chia sẻ ngay 8 ống Blue Methylene. Theo đó, cả hai bệnh nhân trên đã được truyền thuốc Blue Methylene vào lúc 1 giờ 30 phút ngày 10/8. Ngay sau truyền, tình trạng tím tái của 2 bệnh nhân được cải thiện dần, hiện tỉnh táo.
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, Blue Methylen là thuốc điều trị giải độc rất hiệu quả trong trường hợp trên. Tuy nhiên, thuốc Blue Methylen đã từ lâu trở thành thuốc quí, hiếm, hầu như không có mặt trong các tủ thuốc của các bệnh viện nên việc điều trị các trường hợp ngộ độc Methemoglobin nặng gặp nhiều khó khăn. Trong tình huống này, thay máu bằng hồng cầu lắng là một giải pháp điều trị hiệu quả cho các ca ngộ độc Methemoglobin nặng, góp phần cứu sống bệnh nhân.