Tranh luận xe tải hết dầu dừng trên cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên dẫn đến tainạn ch:ết người

Vụ tai nạn giao thông giữa xe tải hết dầu dừng trên cao tốc khiến tài xế xe con tông vào phía sau tử vong đang nổ ra tranh luận.

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông giữa chiếc xe tải hết dầu dừng trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, có bật đèn cảnh báo và cùng thời điểm đó xe con đi cùng chiều đâm vào phía đuôi xe tải, khiến 1 người tử vong đang nhận nhiều ý kiến tranh luận về tính pháp lý trên một số diễn đàn mạng xã hội. Để hiểu rõ hơn về pháp lý xung quanh câu chuyện này, Báo Công Thương đã có trao đổi với Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Theo diễn biến vụ tai nạn giao thông, tài xế xe khai nhận, chiếc xe tải bị hết dầu, gặp sự cố bất khả kháng, dừng đỗ trên làn đường cho phép tốc độ tối đa 100 km/h thuộc cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên. Vậy, thưa luật sư, để ứng phó với tình huống này, tài xế xe tải cần phải làm gì?

Theo khoản 3 Điều 26 Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định về giao thông trên đường cao tốc, chỉ được dừng xe, đỗ xe ở nơi quy định. Trường hợp buộc phải dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định, người lái xe phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không thể được, phải báo hiệu để người lái xe khác biết.

Đồng thời, theo khoản 3 Điều 18 Luật này thì người điều khiển phương tiện khi dừng xe, đỗ xe trên đường bộ phải thực hiện quy định sau đây: Có tín hiệu báo cho người điều khiển phương tiện khác biết. Sau khi đỗ xe, chỉ được rời khỏi xe khi đã thực hiện các biện pháp an toàn. Nếu xe đỗ chiếm một phần đường xe chạy, phải đặt ngay biển báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe để người điều khiển phương tiện khác biết. Đồng thời, tài xế không mở cửa xe, để cửa xe mở hoặc bước xuống xe khi chưa bảo đảm điều kiện an toàn. Nếu xe đỗ trên đoạn đường dốc phải được chèn bánh…

Hiện trường vụ tai nạn giao thông giữa xe tải và xe con xảy ra đêm hôm 20/8, khiến tài xế xe con tử vong. Ảnh: Phúc An

Người điều khiển phương tiện có thể báo hiệu theo nhiều cách khác nhau như: Bật đèn khẩn cấp (đèn hazard), đặt các vật dụng cảnh báo nguy hiểm, như tam giác phản quang, cọc tiêu hình nón,… tạo thành một barie di động để các xe không lao vào khu vực xe gặp sự cố. Nếu không dùng được, không mang sẵn những thứ này trên xe, có thể sử dụng cành cây lớn, đèn pin, thiết bị phát âm (loa)… để thu hút sự chú ý của các tài xế khác.

Theo QCVN 41:2019/BGTVT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ, với vận tốc vận hành trung bình của xe từ 50km/h trở lên thì khoảng cách từ nơi đặt vật dụng cảnh báo nguy hiểm đến khu vực xe gặp sự cố từ 150-250m.

Để xảy ra tai nạn giao thông chết người, trách nhiệm của tài xế xe tải như thế nào, thưa luật sư?

Đối với vụ việc này, cần chờ kết luận của cơ quan chức năng. Mặc dù vậy, có thể chia thành 3 trường hợp sau đây.

Trường hợp 1: Giả sử việc xe tải dừng, đỗ xe không đúng với quy định của pháp luật mà gây ra tai nạn giao thông, người điều khiển xe tải dừng, đỗ xe vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.

Theo điểm d khoản 7, điểm c khoản 11 Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 123/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện có thể bị phạt tiền từ 10 – 12 triệu đồng đối với hành vi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định.

Hoặc không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc. Đồng thời, người điều khiển phương tiện còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng.

Nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Theo đó, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến cao nhất là 15 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Về bồi thường thiệt hại, theo Điều 589, 590, 591 Bộ luật Dân sự năm 2015, người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải bồi thường các khoản sau:

Thứ nhất, thiệt hại về tài sản bị xâm phạm bao gồm: Tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại; thiệt hại khác do luật quy định.

Thứ hai, thiệt hại về sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại…; thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại các chi phí trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Thứ ba, thiệt hại về tính mạng bị xâm phạm bao gồm: Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này; chi phí hợp lý cho việc mai táng; tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; thiệt hại khác do luật quy định.

Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại các chi phí trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Trường hợp 2: Giả sử việc xe tải dừng, đỗ xe tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tai nạn xảy ra là do người điều khiển xe ô tô con gây ra (vi phạm về tốc độ, không chú ý quan sát…), người điều khiển xe ô tô đó phải chịu trách nhiệm.

Trường hợp 3: Giả sử lỗi xuất phát từ cả hai phía (lỗi hỗn hợp), cả hai bên sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần lỗi của mình.

Hải Sơn