Sau 4 năm triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (gọi tắt là Nghị định 100), tình hình trật tự an toàn giao thông trên toàn quốc đã có sự thay đổi mạnh mẽ.
Tại Thái Nguyên, với phương châm riêng 4 không – “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có ngày nghỉ và không có điểm dừng”, việc xử lý vi phạm giao thông theo Nghị định 100 đã thực sự đi vào đời sống, làm thay đổi nhận thức của không chỉ người tham gia giao thông mà còn cả cộng đồng xã hội. “Đã uống rượu, bia không lái xe” không còn là khẩu hiệu mà đã dần trở thành thói quen của đại bộ phận người dân.
Chấn thương sọ não, gãy đốt sống cổ, gãy chi, đa chấn thương… là những tổn thương phổ biến mà nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) do rượu bia gặp phải, thậm chí nhiều người đã mất đi sinh mạng. Hệ lụy của tai nạn giao thông do rượu, bia không chỉ là những chấn thương dai dẳng mà còn là gánh nặng kinh tế kéo dài, và xót xa nhất là sự chia ly, nỗi đau mất mát của những người ở lại…
Suốt hơn 3 năm qua, ngôi nhà của ông N.Q.T, ở phường Tân Lập (TP. Thái Nguyên) trở nên trống vắng sau sự ra đi của ông trong một vụ TNGT. Đối tượng gây ra vụ tai nạn cho ông T. là Lèng Ngọc Tú, sinh năm 1990 trú tại Đồng Thắng, Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Theo lời kể lại, thời điểm đó, sau khi uống rượu xong, Tú điều khiến xe đi trên Quốc lộ 3 theo hướng Hà Nội – Thái Nguyên. Trong lúc đang đi đường, Tú ngủ gật và va chạm vào ông T. đi xe đạp phía trước. Lúc đó đối tượng rất hốt hoảng nên đã quay xe về phòng
Hơn 1 năm đã trôi qua sau khi gặp TNGT, nhưng mỗi khi trái gió trở trời, đôi chân của ông Trần Văn Biên (61 tuổi, ở xã Vạn Thọ, Đại Từ) vẫn đau nhức không ngừng. Trước đó, trên đường đi làm về, ông Biên bị xe taxi chạy cùng chiều lấn làn đâm phải khiến ngón tay trái dập nát, xương đùi, xương mác gãy, toàn thân đau đớn.
Theo các bác sĩ, những người uống rượu, bia thường không làm chủ được được tốc độ nên khi xảy ra tai nạn, các tổn thương là hết sức nặng nề. Nhiều nạn nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch hoặc đã tử vong ngoại viện do vết thương quá nặng.
Con số này đồng nghĩa với việc có trên dưới 1.000 gia đình đang phải chống chọi, chịu những mất mát, bi kịch mà TNGT do rượu, bia để lại. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 294 vụ TNGT, làm chết 48 người và bị thương 283 người, trong đó có 129 vụ TNGT liên quan đến rượu, bia, chiếm đến gần 44%.
Số liệu từ Bộ Y tế cho thấy, nước ta đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Mỗi năm toàn quốc có khoảng 18.000 nạn nhân nhập viện do TNGT. Trong đó có 36,9% ca TNGT liên quan đến rượu, bia, tăng cao vào các ngày lễ, với ước tính 60% nạn nhân nhập viện có liên quan đến rượu, bia.
Thống kê cũng cho thấy, 36% người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số lái ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện và 11% số người tử vong do TNGT có liên quan đến rượu, bia…
Còn theo số liệu từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên – đơn vị y tế tuyến cuối trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2021, trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận 8-10 người bị TNGT liên quan đến rượu, bia. Riêng trong các kỳ nghỉ Tết, số nạn nhân có thể lên đến hàng trăm trường hợp mỗi ngày.
Hậu quả thảm khốc của TNGT do rượu, bia có lẽ nhiều người đã nhận thấy, song chỉ có người trong cuộc mới thấu đến tận cùng. Bởi chỉ một vụ tai nạn cũng có thể tàn phá cuộc sống của nhiều gia đình, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ.
Quẹt dòng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đen sạm, phạm nhân N.T.H, đang chấp hành án tại Trại giam Phú Sơn 4, trải lỏng: Mức án 6 năm tù không ám ảnh bằng việc tôi uống rượu rồi gây ra tai nạn khiến chính con trai ruột của mình và một người khác tử vong. Kể cả sau này khi ra tù, tôi cũng không biết phải đối diện như thế nào với người thân và cả bản thân mình. Trước đây, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc chỉ “uống vui một tí” có thể đẩy cuộc đời mình xuống đáy như vậy.
Thời gian qua, với mục tiêu kiềm chế và đẩy lùi TNGT, lực lượng chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền pháp luật về giao thông đến người dân; tập huấn, nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện cho người tham gia giao thông; tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, những lỗi trực tiếp dẫn đến TNGT, đặc biệt là thực hiện “đã uống rượu, bia không lái xe”…
Tuy nhiên, để chấm dứt những nỗi đau TNGT, đặc biệt là TNGT do rượu, bia, ý thức người trong cuộc là yếu tố quyết định. Và để người dân thực sự thay đổi nhận thức, thói quen thì cơ chế xử phạt có khả năng mang lại hiệu quả răn đe là điều cần thiết…