Làng mới mọc lên, đưa màu xanh trở lại mảnh đất từng tan hoang vì sạt lở. Dù ám ảnh chưa xa, nhưng người dân Quảng Nam đã dần thích nghi với thiên tai.
Ám ảnh sạt lở
Gần 4 năm trôi qua, kể từ trận sạt lở đất kinh hoàng xảy ra tại Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam), nhưng nỗi ám ảnh vẫn hiện rõ trên gương mặt của chị Hồ Thị Hiếu (người địa phương) – khi cùng lúc mất đi 3 thành viên trong gia đình, trong vụ sạt lở này.
“Lũ, rồi đá, đất, nước, tất cả từ trên đỉnh đồi ập xuống vùi lấp cả nhà 4 người. Tôi hốt hoảng chạy ra còn người thân, con cháu thì bị chôn vùi trong đống đổ nát” – chị Hiếu nhớ lại.
Nhiều lần lên Nam Trà My công tác, chúng tôi chứng kiến những cơn mưa bất chợt ập xuống mà không báo trước, nhớ lại cảnh tượng đổ nát, tang thương chưa từng thấy ở thôn 1, thôn 2 (xã Trà Leng) ngày ấy. Giữa màn mưa trắng xóa, hàng chục người vật lộn để tìm kiếm thi thể 22 người chết và mất tích. Có người, cho đến nay vẫn chưa tìm được thi thể.
Hồ Thị Nan, 28 tuổi, người dân tộc B’nông đã mất đi người thân và nhà cửa sau trận sạt lở kinh hoàng ấy. Đầu năm 2021, Nan cùng gia đình về tái định cư tại làng Bằng La, được nhà nước cấp đất, đơn vị hảo tâm xây nhà. Đến nay, cuộc sống đã có nhiều đổi thay tích cực.
“Trước kia ở nơi ở cũ trong vùng sạt lở, em rất lo sợ. Khi về đây thì thấy ổn định, nhà cửa kiên cố, không còn lo sạt lở nữa. Trạm xá ở gần, khi đau ốm đi xin thuốc cũng dễ” – Nan kể, dù vậy, vẫn còn ám ảnh không dám ngủ, mỗi khi nghe tiếng động lớn hay mưa rừng ầm ầm vọng lại.
Sắp xếp dân cư gắn với đất sản xuất
Những năm qua, miền núi Quảng Nam thường xuyên phải hứng chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, đặc biệt là sạt lở núi.
Điển hình, năm 2017, Quảng Nam xảy ra 12 vụ sạt lở đất, làm 29 người chết và nhiều tài sản bị vùi lấp, hư hại; năm 2020 xảy ra 5 vụ sạt lở đất làm chết 30 người, mất tích 17 người, chủ yếu ở các huyện Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My.
Theo ông Trần Duy Dũng – Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, sắp xếp dân cư gắn với đất sản xuất, phù hợp quy hoạch nhằm phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, là giải pháp được huyện Nam Trà My chú trọng.
“Từ năm 2017 đến nay, huyện Nam Trà My đã xây dựng 65 khu dân cư mới, với gần 3 nghìn hộ dân ở vùng có nguy cơ sạt lở, kể cả người nghèo. Các khu dân cư mới được xây dựng ở địa bàn bằng phẳng, cao ráo, có đất sản xuất để người người dân an cư” – ông Dũng nói.
Tuy nhiên, các giải pháp phòng chống thiên tai ở miền núi Quảng Nam vẫn dựa trên phương châm 4 tại chỗ với kinh nghiệm là chính. Do đó, cần có các ứng dụng khoa học để kịp thời dự báo, nhằm chủ động xử lý tình huống và khắc phục hậu quả thiên tai.
Theo Nghị quyết số 23/2021 của HĐND tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021 – 2025, huyện Nam Trà My sắp xếp, ổn định dân cư 2.544 hộ. Tuy nhiên, qua rà soát, đã tăng thêm 769 hộ, thành 3.313 hộ.
Nguyên nhân là do sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn. Một số khu dân cư trước đây được xem là an toàn, nay tiềm ẩn nguy cơ sạt lở, dẫn đến tăng số hộ nằm trong vùng thiên tai.