Thấp thỏm lo hà mã “nuốt” nhà
Người dân xã Đức Bác, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc) cho biết, trong vòng hơn một năm trở lại đây, hiện tượng sạt lở bờ sông Lô diễn ra liên tục khiến nhiều diện tích bãi bồi của các hộ dân canh tác ven bờ sông bị cuốn trôi. Hiện tượng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về hoa màu, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không đảm bảo an toàn với cuộc sống người dân.
“Tôi thấp thỏm từng ngày không biết khi nào đoạn sông sạt tới phần nhà mình. Cách đây khoảng hơn 1 năm, nhà tôi cách bờ sông khoảng chừng 50m, thế nhưng hiện tại, sạt lở đã đến sát vườn”, anh Hùng, một hộ dân tại xã Đức Bác cho biết.
Cùng nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi sạt lở, anh Thành – một hộ dân khác trong khu vực cho biết, tại nhiều điểm, diện tích sạt lở ngày càng lan rộng và xoáy sâu về phía đê, người dân đã nhiều lần phản ánh tới các cơ quan chức năng trong các cuộc họp cử tri.
“Tôi rất lo lắng khi thấy bờ sông đang sạt lở ngày càng sát khu vực đất vườn. Không ít khu vực hoa màu, cây cối của nhà tôi đã bị cuốn xuống nước. Hằng ngày, tôi thấp thỏm lo lắng, khi khu vực sạt lở đã “ăn” hết phần diện tích hoa màu, thì chẳng mấy chốc, nhà cửa của chúng tôi cũng bị cuốn trôi”, bà Tảo, trú tại xã Đức Bác (huyện Sông Lô) chia sẻ.
Trao đổi PV Báo Giao thông, lãnh đạo UBND xã Đức Bác cho biết: “Đức Bác có tuyến đê sông Lô chạy qua với tổng chiều dài khoảng 4,2 km, trong đó số đã được kè là 1,1 km, hơn 3 km bờ đê chưa được kè kiên cố.
Mùa mưa bão vừa qua, phạm vi sạt lở đã lan rộng với chiều dài đoạn bờ sông sạt lở khoảng 700 m, ăn sâu về phía chân đê từ 20 – 30 m, ước tính diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng vào khoảng 2 ha”.
Đề nghị khẩn cấp xử lý tình trạng sạt lở
Trước đó, vào ngày 26/8, UBND huyện Sông Lô có văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông Lô do mưa lớn xảy ra tại khu vực xã Đức Bác.
Theo nội dung văn bản, từ ngày 11/8 đến ngày 15/8/2024 trên địa bàn huyện Sông Lô có mưa liên tục, kết hợp việc xả lũ của các hồ thủy điện Tuyên Quang, Hòa Bình, Thác Bà đã tác động trực tiếp đến chế độ dòng chảy sông Lô làm hiện trạng sạt lở lan rộng đặc biệt nguy hiểm, khó kiểm soát. Diện tích sạt tiếp tục ăn sâu về phía đê tả Lô từ 10m đến 15m, có nguy cơ uy hiếp đến tính mạng người dân đang sinh sống ngoài bãi sông và tuyến đê tả sông Lô.
UBND huyện Sông Lô đã báo cáo và phối hợp với các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Thủy lợi và UBND xã Đức Bác kiểm tra thực tế hiện trạng sạt lở và thống nhất về sự cần thiết đầu tư tuyến kè để bảo vệ đất nông nghiệp và tuyến đê tả sông Lô.
Đồng thời, chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND xã Đức Bác phối hợp với Hạt Quản lý đê sông Lô – Lập Thạch cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở; tổ chức phát quang, cắm cọc tiêu, mốc để quan trắc diễn biến sạt lở, chủ động di dời dân cư đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân khi cần thiết.
Cảnh báo, thông báo rộng rãi về tình hình sự cố đến toàn thể nhân dân sinh sống trong vùng ảnh hưởng, chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động xử lý khi diễn biến sạt lở lan rộng, uy hiếp đến tính mạng của Nhân dân và an toàn đê điều.
UBND huyện Sông Lô đề nghị UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra và tham mưu UBND tỉnh Vĩnh Phúc sớm có giải pháp về công trình để xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ sông do mưa lớn khu vực xã Đức Bác.
Ngay sau khi nắm bắt được tình hình, ông Vũ Việt Văn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra thực tế hiện trường sạt lở bờ sông Lô, đoạn qua xã Đức Bác (Sông Lô), đồng thời giao Sở NN&PTNT đánh giá nguyên nhân sạt lở, rà soát thẩm quyền quản lý tuyến đê, đề xuất giải pháp khắc phục.
Ngoài ra, ông Văn yêu cầu UBND huyện Sông Lô phối hợp với Sở NN&PTNT theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố, khẩn trương thực hiện các biện pháp trước mắt xử lý các điểm sạt lở theo phương châm “4 tại chỗ”, tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.