Công nhân Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương vớt cá lồng bị chết trôi vào sông Sặt, TP Hải Dương (Ảnh tư liệu)
Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp đánh giá diễn biến chất lượng nước mặt, trầm tích đoạn sông nêu trên; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó tập trung vào các cơ sở có hoạt động xả thải vào đoạn sông nêu trên và các địa bàn lân cận có liên quan; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nếu có…
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp rà soát các khu vực nuôi cá lồng tự phát, đặc biệt là các khu vực nuôi không theo quy hoạch đã được phê duyệt tại đoạn sông này để có phương án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do nuôi thủy sản gây ra. Trường hợp các vị trí nuôi cá lồng phù hợp với quy hoạch cần bảo đảm các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi, định kỳ vệ sinh lồng cá và nạo vét lớp bùn đáy. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương rà soát hoạt động nuôi cá lồng trên sông; căn cứ vào dòng chảy, mực nước, mức độ ô nhiễm nguồn nước… để đưa ra khuyến cáo trong nuôi cá lồng.
Thường xuyên cập nhật, theo dõi thông tin về khí tượng, thủy văn, môi trường của khu vực để chủ động phương án xử lý khi chất lượng môi trường nước diễn biến xấu hoặc nguy cơ bất lợi cho nuôi thủy sản. Lưu ý diễn biến thời tiết, điều kiện thủy văn tại các thời điểm có sự thay đổi đột ngột trong năm để thông tin kịp thời đến các tổ chức, cá nhân liên quan. Chủ động xây dựng quy trình kỹ thuật hướng dẫn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn, môi trường; hướng dẫn, tuyên truyền người nuôi thực hiện việc nuôi cá lồng, bè theo các quy định về điều kiện vệ sinh thú y…